Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa SAGE hồi tuần trước, các bác sĩ giải thích túi nâng ngực khiến viên đạn chuyển hướng và không đi qua các cơ quan quan trọng trong cơ thể nạn nhân 30 tuổi.
Bác sĩ phẫu thuật Giancarlo McEvenue nói với đài CNN hôm 21-4 vụ việc xảy ra vào năm 2018 tại TP Toronto - Canada là một trong số ít trường hợp được ghi nhận trong tài liệu y khoa cho thấy phẫu thuật nâng ngực đóng vai trò cứu sống bệnh nhân và là trường hợp túi nâng ngực bằng silicon làm được điều này lần đầu tiên được ghi nhận.
Túi nâng ngực cứu mạng người phụ nữ. Ảnh: SAGE
Tại Mỹ, có 2 loại túi nâng ngực được cấp phép đều có lớp ngoài bằng silicon nhưng bên trong có thể chứa nước muối hoặc silicon. Các túi này có nhiều kích cỡ, độ dày vỏ bọc, hình dáng và được cấy ghép để tăng kích cỡ hoặc thay thế các mô, chẳng hạn như sau khi phẫu thuật trị ung thư vú hoặc bị các tổn thương khác.
Dù không rõ chi tiết vụ nổ súng nhưng bác sĩ phẫu thuật McEvenue cho biết bệnh nhân tự đi đến một bệnh viện địa phương để chữa trị sau khi bị bắn.
Vị bác sĩ này cho biết: "Cô ấy vẫn nói chuyện và đội ngũ nhân viên y tế không tin được cô ấy vẫn khỏe mạnh".
"Viên đạn bắn vào ngực trái nhưng xương sườn bên phải lại bị gãy. Viên đạn đi vào dưới da bên trái trước sau đó lướt qua xương ức đến bên phải và làm gãy xương sườn phải. Túi ngực khiến viên đạn đổi hướng" - ông McEvenue cho hay.
Bác sĩ này cho biết ngực trái có tim và phổi nên nếu viên đạn xuyên qua sẽ khiến nạn nhân bị thương nặng hơn và có thể thiệt mạng.
Túi nâng ngực bị trúng đạn. Ảnh: CNN
Nạn nhân sau đó được xuất viện nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được hung thủ cũng như tìm thấy hung khí. Các bác sĩ trước đó xử lý vết thương bằng cách lấy túi nâng ngực ra, chữa trị vết thương và kê đơn các kháng sinh ngắn hạn.
Ảnh chụp x-quang cho thấy viên đạn bị chuyển hướng. Ảnh: SAGE
Bình luận (0)