Cả Iran cũng tiến hành nhiều vụ tấn công như thế ở vùng Bắc Iraq. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thậm chí còn dọa sẽ cho quân đội tràn sang vùng Bắc Syria và Iraq như 4 lần đã từng làm trước đó.
Sự trùng hợp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không phải là kết quả của sự phối hợp hành động của hai nước này nhưng cả hai lại theo đuổi mục đích giống nhau là thoát khó về đối nội và tăng thế về đối ngoại.
Lực lượng vũ trang người Kurd ở Iraq và Syria là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ và NATO trong cuộc chiến chống các phần tử và tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan và tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Thổ Nhĩ Kỳ xưa nay luôn coi lực lượng vũ trang người Kurd là khủng bố và truy sát Đảng PKK của người Kurd.
Một mỏ dầu ở Qamishli - Syria bị trúng đạn khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng vũ trang người Kurd ở Bắc Syria Ảnh: REUTERS
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong tình trạng rất khó khăn về kinh tế, tỉ lệ lạm phát rất cao, vừa rồi lại liên tục xảy ra mấy vụ đánh bom khủng bố mà chính phủ coi lực lượng vũ trang người Kurd là thủ phạm.
Nga hậu thuẫn chính thể của Tổng thống Bashir al-Assad ở Syria. Nga cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran liên thủ ở mức độ nhất định cùng quyết định tương lai chính trị, an ninh cho Syria và tạo cuộc chơi địa chính trị với Mỹ, NATO và đồng minh ở khu vực này.
Nga hiện đang xung đột với Ukraine và bị Mỹ, NATO, EU đồng minh cô lập, bao vây cấm vận và trừng phạt. Thổ Nhĩ Kỳ nuôi tham vọng đảm trách vai trò trung gian hòa giải mà Nga có thể tranh thủ, tận dụng. Thổ Nhĩ Kỳ còn dùng vấn đề người Kurd để gây áp lực buộc NATO, Thụy Điển và Phần Lan nhượng bộ từ khi hai nước Bắc Âu đệ đơn gia nhập liên minh quân sự này.
Mối quan hệ giữa Iran với Mỹ và EU vốn đã căng thẳng bởi vấn đề hạt nhân của Iran lại thêm gay gắt. Phương Tây coi những cuộc biểu tình trong thời gian qua của dân chúng ở Iran là bằng chứng về việc nước này không thực hiện dân chủ và nhân quyền, trong khi Iran xem phương Tây đứng sau các cuộc biểu tình.
Xưa nay, người Kurd ở Iraq, Syria và Iran kiên định khát vọng khôi phục nhà nước độc lập đã từng có trong quá khứ mà đối với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, điều đó chẳng khác gì một cơn ác mộng.
Trong bối cảnh tình hình chung như thế, các cuộc tấn công người Kurd ở vùng Bắc Syria và Iraq giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đồng thời đạt được nhiều mục đích. Chúng giúp làm giảm sức ép về đối nội đối với chính phủ và đánh lạc hướng quan tâm của người dân ở hai nước vốn đang tập trung vào những gì đang xảy ra ở bên trong đất nước.
Thông qua hiệu ứng làm suy yếu lực lượng vũ trang của người Kurd khiến cho mục tiêu của người Kurd về thành lập nhà nước độc lập trở nên tiếp tục xa vời. Qua đó cũng giúp cả Thổ Nhĩ Kỳ và Iran gia tăng thế trong quan hệ với Mỹ, NATO và Nga (đối với Thổ Nhĩ Kỳ) và đối với Mỹ, EU và Nga (đối với Iran).
Các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran động chạm tới lợi ích chiến lược của Mỹ, NATO, Nga ở Syria và Iraq nhưng tất cả các bên này, EU hiện đều cần duy trì quan hệ ổn định với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Tình trạng khó xử này lý giải vì sao họ thể hiện thái độ rất kiềm chế về những hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhằm vào lực lượng vũ trang người Kurd ở vùng Bắc Iraq và Syria trong những ngày vừa qua.
Bình luận (0)