Gần như ngay lập tức, ông xuống văn phòng của mình ở lầu 7 và nhấc điện thoại gọi Ngoại trưởng Iran Javad Zarif 15 phút sau đó. Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao Mỹ và Iran tiết lộ 2 vị ngoại trưởng nói chuyện qua điện thoại ít nhất 5 lần, kèm theo đó là nhiều cuộc họp khẩn ở mỗi nước, trước khi nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei bật đèn xanh cho các thủy thủ Mỹ được tự do.
Chuyện ông Kerry có thể gọi điện cho ông Zarif là chuyện không thể xảy ra nếu lùi thời gian lại 2 năm trước, theo ông Gary Sick, chuyên gia về Iran tại Trường ĐH Columbia (Mỹ). “Ông ấy sẽ chẳng biết phải gọi số nào và giả dụ gọi được thì đầu dây bên kia sẽ cực kỳ ngờ vực” - ông Sick nói với đài NBC.
Mối quan hệ thân thiết, tới mức gọi nhau bằng tên riêng John và Javad, được 2 ngoại trưởng gầy dựng sau 2 năm rưỡi chung lưng đấu cật để đạt được thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (vào tháng 7-2015). Trước các cuộc đàm phán hạt nhân, Washington chỉ có thể nhờ các quốc gia khác làm trung gian mỗi khi xảy ra sự cố với Tehran. Nhưng kể từ đầu năm đến nay, 2 ông Kerry và Zarif đã điện đàm ít nhất 11 lần, ngoài vụ bắt tàu kể trên còn bàn về quan hệ xấu đi giữa Iran - Ả Rập Saudi và nỗ lực hòa bình ở Syria.
Ngược lại, ngoại trưởng Mỹ chỉ gọi điện cho người đồng cấp Ả Rập Saudi Adel al-Jubeir vỏn vẹn 2 lần, bất chấp Riyadh mới là đồng minh lâu năm của Washington.
Cả Nhà Trắng, ông chủ Lầu Năm Góc lẫn bản thân 2 ngoại trưởng Mỹ và Iran đều tỏ ra hài lòng trước sự đóng góp đầy mới mẻ của ngoại giao trong việc tháo ngòi nổ xung đột trên một cách chóng vánh (trong chưa đầy 24 giờ). Rõ ràng ai cũng nhận ra cả Washington lẫn Tehran đều không muốn đem thỏa thuận hạt nhân gian nan lắm mới đạt được đổ sông đổ biển, nhất là vào thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Theo Reuters, một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) dự kiến trong ngày 17-1 công bố báo cáo xác nhận Iran đã tuân thủ các cam kết của thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tháo dỡ lõi của lò phản ứng hạt nhân Arak (được công bố vài giờ trước sự sự kiện Iran bắt tàu Mỹ) và giảm mạnh kho uranium. Báo cáo của IAEA sẽ mở đường cho việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran, từng bước “trả lại” cho nước này nhiều tỉ USD bị phong tỏa.
Tuy nhiên, trong khi chính quyền Tổng thống Barack Obama xem việc Iran thả thủy thủ là bằng chứng cho thấy một mối quan hệ khởi sắc giữa 2 nước thì nhiều nhà phân tích cảnh báo Washington đang… tưởng bở! Theo họ, thỏa thuận hạt nhân như tấm lá chắn bảo vệ Iran dù nước này “hành xử tệ hại”.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa (Mỹ) chỉ trích ông Obama chùn tay với Iran vì còn bận bảo vệ thành quả đối ngoại trong nhiệm kỳ của mình, theo tờ Christian Science Monitor. “Từ khi đạt thỏa thuận này, Iran tăng tốc chương trình tên lửa, bắt nhiều người Mỹ làm con tin hơn và đẩy mạnh chém giết ở Syria. Washington phản ứng thế nào? Im lặng” - ông Ed Royce, hạ nghị sĩ Cộng hòa, nhấn mạnh.
Đặc biệt, hình ảnh các thủy thủ Mỹ quỳ gối đưa tay ra sau đầu khi bị Iran bắt giữ bị xem là “sự cúi đầu đầy sỉ nhục của Mỹ trước kẻ thù”.
Bình luận (0)