Cơ quan Khí tượng Pakistan dự báo nắng nóng nghiêm trọng sẽ tiếp diễn trong tuần này trong khi cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Tại nước láng giềng Ấn Độ, 6 bang nhận cảnh báo tương tự, bao gồm Haryana, Rajasthan, Madhya Pradesh, Maharashtra, Uttar Pradesh và Punjab, bắt đầu từ ngày 8-5 và kéo dài 3-4 ngày.
Nhìn chung, theo tờ Guardian, nhiệt độ cao nhất ở nhiều vùng thuộc Tây Bắc Ấn Độ và Pakistan có thể lên tới 50 độ C vào tuần này.
Nắng nóng vốn không lạ gì với người dân 2 nước Nam Á kể trên song mức độ, thời gian kéo dài cũng như việc nó đến sớm hơn vào năm nay đang khiến thế giới phải hãi hùng.
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua chứng kiến mức nhiệt 49 độ C ở Jacobabad - Pakistan và 47,2 độ C ở Banda - Ấn Độ. Chỉ riêng ở Ấn Độ đã có hơn 20 người chết vì nóng quá mức kể từ cuối tháng 3 tới nay.
Bang Tây Úc của Úc kêu gọi người dân thận trọng khi khối không khí lạnh dự kiến “đổ bộ” vào tuần này Ảnh: WA NEWS
Nhiều chuyên gia chung nhận định đây là hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu, đồng thời lo ngại nhiệt độ bầu ướt cũng sẽ tăng cao, đe dọa khả năng sinh tồn của con người.
Kênh NBC News lý giải nhiệt độ bầu ướt là thước đo sự kết hợp giữa nhiệt và độ ẩm. Một khi nhiệt độ bầu ướt vượt quá thân nhiệt con người, mồ hôi sẽ không bốc hơi được nữa và con người mất khả năng tự làm mát.
Thời tiết châu Á rất khó hiểu!
"Đó thực sự là giới hạn sinh tồn. Bạn chỉ cần ngồi không cũng đủ chết rồi, chứ chưa nói tới chuyển động hay làm gì khác. Đơn giản là không có cách nào hạ nhiệt cơ thể" - ông Tapio Schneider, giáo sư về khoa học môi trường tại Viện Công nghệ California (Mỹ), giải thích với NBC News.
Ngay từ tháng 5-2020, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances đã chỉ ra nhiệt và độ ẩm ở một số vùng nhất định trên thế giới đã "tiến gần hoặc vượt qua giới hạn chịu đựng của con người", bao gồm nhiều nơi ở Nam Á, vùng ven biển và Tây Nam của Bắc Mỹ, khu vực quanh vịnh Ba Tư…
Với việc làn sóng nhiệt dự kiến lan rộng sang các khu vực ven biển ẩm hơn ở Ấn Độ và Pakistan trong tuần này, nhà khoa học khí hậu Friederike Otto tại Trường ĐH Hoàng gia London (Anh) lo ngại nguy cơ mà nhiệt độ bầu khô gây ra sẽ tăng lên.
Tình hình ở Ấn Độ phải nói là rất phức tạp. Trong lúc căng mình trong nắng nóng, nước này sẽ đón một cơn bão đi ngang qua bờ biển phía Đông vào ngày 10-5. Chưa hết, Thủ tướng Narendra Modi vừa yêu cầu giới chức địa phương lên kế hoạch chuẩn bị chống lũ khi mùa mưa sắp đến trong vài tuần tới.
Trái ngược hoàn toàn với tình cảnh hiện nay ở miền Bắc Ấn Độ và Pakistan, các khu vực nhiệt đới ở Đông Nam Á lại đang chứng kiến mức nhiệt thấp bất thường. Hôm 2-5, Đài Quan sát Hồng Kông ghi nhận nhiệt độ 16,4 độ C, mức nhiệt tháng 5 thấp nhất kể từ năm 1917, theo báo The Guardian. Cùng ngày, nhiệt độ ở TP Quảng Châu thuộc miền Nam Trung Quốc chỉ 13,7 độ C, thấp chưa từng thấy vào tháng 5 ở đây.
Trong khi đó, 13,6 độ C là nhiệt độ thấp nhất ở huyện Umphang, tỉnh Tak - Thái Lan hôm 4-5. Đây cũng là nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận ở Thái Lan trong tháng 5. Theo các nhà khoa học, yếu tố gây nên hiện tượng này là sự kết hợp giữa gió mùa Đông Bắc và các điều kiện thời tiết bất thường.
Xa hơn về phía Nam, Úc vừa trải qua đợt lạnh đầu tiên của năm, sau tháng 4 nóng thứ bảy trong lịch sử. Một khối không khí lạnh khiến nhiệt độ giảm mạnh ở nhiều khu vực Đông Nam nước này hồi giữa tuần trước, bao gồm các bang Tây Úc, Victoria, New South Wales và Tasmania. Thêm vào đó, một vùng áp thấp gây mưa to gió lớn ở Tasmania cuối tuần rồi.
Bình luận (0)