Sau vụ Al-Yarmouk bị tấn công, không một nước láng giềng hay một nước Ả Rập anh em nào của Sudan lên án, ngoại trừ Syria.
Theo nhà báo Semaan, người dân Sudan không muốn chính phủ quan hệ quá gần gũi với Iran vì “lợi bất cập hại”. Cũng vì mối quan hệ này mà Sudan bị Mỹ liệt vào danh sách các nước tài trợ khủng bố và bị cấm vận kinh tế khiến đời sống dân chúng cực khổ đủ bề. Người dân Sudan chỉ muốn chính phủ quan hệ thật tốt với các nước Ả Rập anh em và các nước châu Phi láng giềng có lợi hơn rất nhiều.
Quan hệ với Iran, kinh tế Sudan chẳng được gì. Iran chẳng có đầu tư vào Sudan như Trung Quốc, Qatar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất hay Ả Rập Saudi. Họ chỉ quan tâm đến các vấn đề quân sự như tiếp tế vũ khí cho Hamas ở Dải Gaza, cho Hezbollah ở Lebanon, vây hãm Israel. Chính điều này gián tiếp dẫn đến vụ tấn công Al-Yarmouk.
DEBKAFile, trang web tình báo quân đội Israel, nhân dịp này tiết lộ rằng khu phức hợp Al-Yarmouk, trong đó có nhà máy sản xuất vũ khí quy ước nằm sâu 120 m trong lòng đất, là nơi lắp ráp tên lửa Shahab, đồng thời là kho dự trữ vũ khí chiến lược của Iran trong trường hợp kho tên lửa đạn đạo của Iran bị tấn công. Không quân Israel đã từng tấn công phủ đầu tiêu diệt tên lửa tầm xa của kẻ địch ngay từ đầu cuộc xung đột với các nước Hồi giáo. Đơn cử là vụ tấn công tiêu hủy 90% tên lửa tầm xa của Hezbollah ngay trong những giờ đầu cuộc chiến Israel - Lebanon năm 2006.
… và Iran
Mặc dù Khartoum khẳng định Al-Yarmouk, 1 trong 2 nhà máy sản xuất vũ khí quy ước nổi tiếng của Sudan, không liên quan gì đến vũ khí Iran, các quan chức cao cấp quân đội Iran đã có mặt tại Khartoum ngay sau khi Al-Yarmouk bị tấn công, theo nguồn tin DEBKAFile.
Đó là Chỉ huy trưởng Không quân Iran, tướng Hassan Shah-Safi, Tư lệnh Lực lượng Không gian Vũ trụ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo; tướng Amir Ali Hajizadeh, Phó Tư lệnh Không quân Iran; tướng Aziz Nasirzadeh và Tư lệnh Căn cứ phòng không Khatam al-Anbiya, tướng Farzsad Esmali. Đây là những “chuyên gia quân sự” mà bộ trưởng thông tin Sudan từng đề cập (nhưng không nói rõ là ai) trong cuộc họp báo tố cáo Israel đứng đằng sau vụ cháy nổ Al-Yarmouk rạng sáng 24-10.
Đoàn quân sự cao cấp Iran bí mật đến Khartoum chỉ vài giờ sau vụ tấn công, đi thẳng đến khu Al-Yarmouk. Tại đây, họ đánh giá mức thiệt hại và phân tích khả năng đột nhập của máy bay Israel. Họ cũng xem xét hệ thống radar tương tự như các hệ thống radar Iran do Nga sản xuất và truy cứu nguyên nhân tại sao bị liệt. Nói chung, họ tìm hiểu Israel đã dùng phương pháp và thiết bị gì để vô hiệu hóa “mắt thần” của Sudan.
Nguồn tin của DEBKAFile cho biết thêm đây là lần thứ hai trong vòng 3 tuần các tướng không quân, phòng không và chiến tranh mạng Iran nghiên cứu khả năng của không quân và bộ máy chiến tranh mạng của Israel. Ngày 6-10 vừa qua, Iran đã cho một chiếc máy bay không người lái đột nhập không phận Israel từ Lebanon. Tại đây, các chuyên gia Iran đã có dịp đọ sức với các chuyên gia chiến tranh mạng Israel. Họ đã điều khiển chiếc máy bay không người lái chụp được ảnh các mục tiêu quân sự bí mật của Israel, trong đó có lò phản ứng hạt nhân Dimona, trước khi bị bắn rơi.
Thông điệp của Israel
1. Không quân Israel (IAF) đã bay an toàn tuyệt đối 1.800 km đánh sập Nhà máy Al-Yarmouk chứng tỏ khoảng cách (1.600 km từ Israel đến cơ sở hạt nhân Fordow của Iran) không hề là một trở ngại nếu Israel tấn công những cơ sở hạt nhân của Iran.
2. Máy bay IAF có khả năng được tiếp tế nhiên liệu trên không an toàn.
3. IAF có khả năng “bịt mắt” các trạm radar và khiến Iran có rất ít cơ hội đánh trả kịp thời một cuộc tập kích của Israel hay của Mỹ.
Đó là chưa kể sự lợi hại của vũ khí chiến tranh mạng mà Israel và Iran đã từng “đối đầu” trong 3 tháng qua.
Bình luận (0)