* Phóng viên: Trước bối cảnh thế giới nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đáng kể đến công tác hỗ trợ đối ngoại địa phương hội nhập quốc tế, ngành ngoại giao đã phát huy vai trò của mình như thế nào?
- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc: Tình hình thế giới, khu vực có nhiều chuyển biến lớn, phức tạp hơn so với năm 2021, khó khăn và thuận lợi đan xen.
Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại rõ rệt; đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát song vẫn có nguy cơ tái bùng phát; xung đột tại Ukraine ảnh hưởng sâu sắc đến hòa bình, ổn định, phục hồi kinh tế; quan hệ giữa các nước lớn bước vào giai đoạn đối đầu, căng thẳng mới.
Trước bối cảnh đó, thực hiện đường lối đối ngoại Đại hội XIII và Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10-8-2022, về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 của Ban Bí thư, Bộ Ngoại giao đã chủ động hướng dẫn, phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án triển khai phù hợp với tình hình mới trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, thông tin tuyên truyền, biên giới lãnh thổ, lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác phi chính phủ nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc
* Đâu là những dấu ấn nổi bật của công tác hỗ trợ đối ngoại địa phương của Bộ Ngoại giao thời gian qua, thưa Thứ trưởng?
- Với phương châm "đột phá - mở đường", "đồng hành", "phục vụ", trong 8 tháng đầu năm nay, đã có 48 đoàn do Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và lãnh đạo Bộ Ngoại giao đến làm việc tại các địa phương để tìm hiểu nhu cầu cùng đặt hàng cụ thể của các địa phương.
Con số rất lớn này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Bộ Ngoại giao trong hỗ trợ đối ngoại địa phương. Nổi bật là các chuyến công tác của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tại Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Kiên Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang...
Xác định hỗ trợ địa phương trong xây dựng định hướng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, bộ phối hợp với 63 tỉnh, thành xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ về "Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam"; tiếp tục tư vấn, hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng Đề án hợp tác và hội nhập quốc tế TP Đà Nẵng đến năm 2030...
Thành công trong việc đưa vải thiều Lục Ngạn xuất ngoại Nhật Bản là một bài học điển hình về sự kết hợp sáng tạo giữa ngành ngoại giao và các địa phương. Sau 5 năm đàm phán, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu đặc sản kể trên sang thị trường khó tính Nhật Bản từ năm 2020, kể cả trong đại dịch Covid-19.
Phát huy thành công đó là một loạt sự kiện được tổ chức trong năm 2022 như hội nghị Gặp gỡ Thanh Hóa - Hàn Quốc, hội nghị Kết nối Vĩnh Phúc - Nhật Bản, tháng hội thảo "Tăng cường xuất khẩu sản phẩm trà của Lai Châu vào thị trường Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á"...
Các đại biểu thăm gian hàng bên lề hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam” do Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức ngày 28-6 Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
*Thời gian tới, sứ mệnh đồng hành với địa phương sẽ tiếp tục được Bộ Ngoại giao triển khai như thế nào?
- Hành trình sắp tới có một số nội dung hợp tác trọng tâm:
Thứ nhất, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài sẽ tăng cường cung cấp thông tin, tham mưu cho các địa phương về tình hình thế giới và khu vực, các chính sách của các đối tác quốc tế có tác động đến Việt Nam, các xu hướng và mô hình tăng trưởng mới… nhằm hỗ trợ địa phương hoạch định chính sách phát triển.
Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm tận dụng cơ hội từ giai đoạn bình thường mới, mở cửa du lịch, xúc tiến thương mại, triển khai các hoạt động ngoại giao tập đoàn. Hỗ trợ địa phương thúc đẩy hợp tác quốc tế trong một số vấn đề mới và lĩnh vực ưu tiên, tạo bứt phá cho tăng trưởng như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Thứ ba, đề xuất các biện pháp, cơ chế nhằm cụ thể hóa và triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm.
Thứ tư, phối hợp đẩy mạnh công tác đối ngoại địa phương trên các lĩnh vực như ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị.
Thứ năm, kiện toàn và nâng cao hiệu quả bộ máy làm công tác đối ngoại địa phương, đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.
Sau nhiều nỗ lực không mệt mỏi phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và các tỉnh Ninh Thuận, Gia Lai trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, vận động UNESCO, tháng 9-2021, khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) và cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) của Việt Nam đã được UNESCO xem xét công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Điều này thể hiện những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như chứng tỏ cam kết của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam.
Bình luận (0)