Hơn 3 tháng sau cuộc bầu cử Hạ viện, Đức vẫn chưa có chính phủ mới. Nhiều người xem cuộc đàm phán giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel và Đảng SPD là cơ hội cuối cùng để hình thành một liên minh ổn định.
Áp lực đè lên SPD kể từ tháng 11 năm ngoái khi bà Merkel thất bại trong việc liên minh với Đảng Dân chủ Tự do (FDP) và Đảng Xanh. Nữ thủ tướng sẽ phải thuyết phục các nhà lãnh đạo SPD rằng họ có đủ mục tiêu chung để bắt đầu đàm phán liên minh chính thức vào tháng 3 hoặc tháng 4-2018. Các nước đồng minh Liên minh châu Âu (EU), như Pháp, xem Đức là trụ cột ổn định trong khối và hy vọng bà Merkel thành công.
SPD từng là một phần trong "đại liên minh" với các đảng bảo thủ của bà Merkel lãnh đạo đất nước 4 năm qua. Sau cuộc bầu cử hồi tháng 9-2017 với kết quả tồi tệ nhất kể từ năm 1993, đảng này tuyên bố sẽ trở thành phe đối lập. Tuy nhiên, lãnh đạo SPD đã thay đổi quyết định sau khi có sự can thiệp của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier. 15 chủ đề sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc đàm phán mang tính then chốt này, trong đó có các vấn đề liên quan đến tài chính/thuế, kinh doanh, năng lượng, gia đình và người di cư, hội nhập.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay với lãnh đạo SPD Martin Schulz trước cuộc đàm phán về việc thành lập một chính phủ liên minh mới tại thủ đô Berlin - Đức hôm 7-1. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, đa phần người Đức cho rằng kỷ nguyên lãnh đạo của bà Merkel sắp chấm dứt dù vẫn dành cho bà nhiều tin tưởng. Cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Viện Nghiên cứu Infratest-dimap thực hiện đầu năm 2018 cho thấy chỉ có 45% người dân Đức cảm thấy hài lòng nếu Liên đảng bảo thủ CDU/CSU của bà Merkel liên kết với SPD.
Cuộc thăm dò cho thấy bà Merkel vẫn được người dân Đức tin tưởng khi có tới 65% người được hỏi cho rằng bà là một thủ tướng tốt. Thêm vào đó, có đến 70% người được khảo sát nói rằng bà Merkel là dấu hiệu cho thấy sự ổn định của nước Đức. Dù vậy, 75% cho rằng CDU cần phải có một sự đổi mới, trong khi 67% nói rằng thời hoàng kim của bà Merkel đã qua. Ngoài ra, 45% người được hỏi muốn Thủ tướng Merkel trao quyền cho người kế nhiệm trong 4 năm tới.
Nếu cuộc đàm phán nêu trên thất bại, nước Đức sẽ phải đối mặt các cuộc bầu cử mới hoặc lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II sẽ được điều hành bởi một chính phủ thiểu số do bà Merkel lãnh đạo. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Infratest-dimap cũng cho thấy khoảng 54% người được hỏi đồng tình bầu cử lại nếu quá trình liên minh thất bại.
Tuy nhiên, theo trang Deutsche Welle, nhiều khả năng cuộc đàm phán thành lập chính phủ giữa CDU/CSU và SPD sẽ nhanh chóng có kết quả khi người dân đang ngày càng cho thấy sự mệt mỏi của họ đối với tiến trình đàm phán thành lập chính phủ liên minh.
Bình luận (0)