Chưa đầy 24 giờ sau khi viết thư hòa giải gửi các chủ nợ - bao gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - để yêu cầu gói cứu trợ tài chính mới (29,1 tỉ euro trong 2 năm) với sự nhượng bộ hầu hết các yêu cầu, ông Tsipras đã đột ngột thay đổi ý định.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, thủ tướng Hy Lạp tuyên bố Athens đang “bị tống tiền”, đồng thời bác bỏ thông tin hoãn cuộc trưng cầu dân ý (dự kiến diễn ra hôm 5-7). "Bỏ phiếu "không" là bước đi quyết định để có một thỏa thuận tốt hơn" - ông kêu gọi.
Ông cũng bác bỏ các cảnh báo cho rằng trưng cầu dân ý thực chất là quyết định Hy Lạp tiếp tục dùng đồng euro hay quay lại đồng nội địa drachma.
Áp phích do Đảng Syriza cầm quyền bắt đầu dán khắp trung tâm thủ đô Athens, kêu gọi người dân nói “không” với đề nghị của các chủ nợ. Bộ Tài chính Hy Lạp cũng dán một tấm biểu ngữ lớn in dòng chữ “Không để tống tiền và khắc khổ!”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đáp lại bằng thông điệp trên Twitter: "Châu Âu muốn giúp Hy Lạp nhưng không thể giúp nếu họ không muốn. Hãy chờ kết quả cuộc trưng cầu dân ý". Đêm 30-6 trước đó, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro (Eurozone) đã họp khẩn qua điện thoại và cũng quyết định chờ Hy Lạp trưng cầu dân ý xong mới tính tiếp.
Hành động hôm 1-7 của thủ tướng Tsipras cho thấy nhà lãnh đạo Hy Lạp quyết tâm đến cùng trong một nỗ lực kết thúc việc thực thi chính sách thắt lưng buộc bụng kể từ khi ông chính thức nắm quyền đầu năm nay.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble và Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin là hai trong số các quan chức châu Âu phản đối động thái “gió đổi chiều” của Thủ tướng Tsipras, chỉ trích ông đang làm phức tạp thêm tình hình.
Cùng ngày 1-7, một nguồn tin ngân hàng Hy Lạp cho biết hội đồng điều hành ECB đã quyết định không nâng trần quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng đang gặp khó khăn của Athens. Hôm 28-6, ECB cũng từ chối tăng khoản cứu trợ khẩn cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp, khiến Athens phải đóng cửa các ngân hàng và áp đặt biện pháp kiểm soát vốn.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis khẳng định Eurozone có thể "trụ vững" trước hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp do đã triển khai các biện pháp củng cố khối trong những năm gần đây.
Bình luận (0)