Quan ngại trên được bà Ardern nhấn mạnh trong phát biểu tại Chatham House (Viện nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh) ở thủ đô London hôm 1-7: "Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều sự quan tâm đến khu vực Thái Bình Dương. Quan điểm chính sách đối ngoại của một số thành viên quan trọng trong khu đã thay đổi. Trật tự vốn đã mang lại sự thịnh vượng cho khu vực trong suốt 80 năm qua đang bị tranh chấp".
Vị nữ thủ tướng New Zealand đã thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc sau khi nước này ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon hồi tháng 4. Tiếp đến vào tháng 5, phía Bắc Kinh còn cử Bộ trưởng Ngoại giao đi công du các quốc gia Thái Bình Dương khác. Các động thái đó của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng quốc gia đông dân nhất thế giới muốn tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, theo Bloomberg.
Trước đó, New Zealand luôn cố gắng "làm mọi thứ tốt nhất có thể" để duy trì mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc. Thực tế, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Tuần trước, phát biểu với tư cách khách mời tại Hội nghị của NATO diễn ra tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, bà Ardern đã lên tiếng cảnh báo về Trung Quốc. Tại đây, Thủ tướng New Zealand nhấn mạnh Bắc Kinh "đang trở nên quyết đoán hơn, sẵn sàng thách thức các quy tắc và chuẩn mực quốc tế".
Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Wellington đã gọi những bình luận của bà Ardern là "sai lầm" và "đáng tiếc". "Mục tiêu của Trung Quốc ở Thái Bình Dương nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác lâu đời và giúp các quốc đảo nâng cao năng lực phát triển" - Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã thay đổi quan điểm đối với Trung Quốc sau khi nước này ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào tháng 4. Ảnh: Bloomberg
Tiếp tục phát biểu tại Chatham House, nữ Thủ tướng New Zealand cho rằng sẽ là sai lầm nếu chỉ trích Trung Quốc hiện diện ở Thái Bình Dương trong khi hoan nghênh sự tham gia của các nước khác.
"Lưu ý rằng bản chất của bất kỳ sự tham gia nào trong số này mới là vấn đề quan trọng" - bà Ardern nói. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng khu vực "có thể xác định các ưu tiên của riêng mình" và Diễn đàn khu vực Thái Bình Dương mới là nơi chính để thảo luận và xác định các nhu cầu an ninh của khu vực.
Điều quan trọng nữa là "tất cả chúng ta đều có thể tự do nói về những vấn đề mà chúng ta quan tâm, không bị ép buộc" - bà Ardern bày tỏ.
Bình luận (0)