"Tôi chỉ chú mục vào những vấn đề quan trọng. Nếu tôi cho rằng một vấn đề nào đó đáng được ưu tiên hàng đầu, tôi sẽ không băn khoăn về những cản trở chính trị hay hành chính khi giải quyết nó. Tôi cũng không lo lắng về những hậu quả mà bản thân mình có thể sẽ phải gánh chịu" (V. Putin). |
Cuộc phỏng vấn thủ tướng Nga Vladimir Putin do nhà báo Andrey Kolesnikov của báo Kommersant thực hiện hôm 30-8 được cả thế giới chú ý.
Ẩn chứa trong những câu trả lời của ông Putin là những quan điểm của ông về cuộc tranh cử tổng thống Nga sẽ được tổ chức vào năm 2012, về tương lai và các sách lược của nước Nga.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện khi ông Putin tự lái chiếc xe hơi Lada Kalina do Nga sản xuất trên xa lộ Khabarovsk-Chita dài khoảng 2.000 km, và nhà báo Kolesnikov “quá giang” xe của Putin.
Ông Kolesnikov được biết đến như một phóng viên, một cây bút được Putin thân tín.
Ông Putin tự lái chiếc xe hơi Kalina Sport do Nga sản xuất trên suốt chuyến đi dọc xa lộ Khabarovsk-Chita. Ảnh: Reuters
Những sai lầm của chính phủ
- Thật khó để vừa lái xe vừa nói chuyện về những chủ đề mà sau đó sẽ được truyền miệng rộng rãi, đúng không? Rất khó kiểm soát bản thân... Ông không hối tiếc chứ?
Không (ông cười), tôi đang thư giãn mà. Tôi đang nghỉ ngơi. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong mười năm qua.
- Vậy chúng ta hãy làm việc. Xin ông cho biết, làm kinh tế hay làm chính trị khó hơn?
Nếu làm tốt, làm hết mình thì ngay cả việc làm vườn cũng rất thú vị (ông trả lời một cách nghiêm túc). Người ta thường nói với tôi: Ồ, quốc gia của ông quá lớn, hẳn là ông rất mệt mỏi khi điều hành đất nước... Nhưng tôi hiểu và tôi tin rằng điều đó không quan trọng.
Khi làm việc tại St Petersburg, một thành phố với dân số năm triệu người, mỗi ngày tôi làm việc từ sáng đến khuya, và công việc đó cũng không dễ dàng hơn so với việc điều hành đất nước hàng trăm triệu dân. Càng nhiều nhiệm vụ cụ thể, càng có nhiều khó khăn. Và kết quả thì hoặc có hoặc không, hoặc cao hoặc thấp.
Nhưng nếu trên bình diện toàn cầu thì ở cấp độ chính trị, các quyết định được đưa ra có ảnh hưởng tuyệt đối đến mọi mặt đời sống. Nghĩa là, các quyết định ở cấp độ chính trị sẽ phải chịu nhiều trách nhiệm hơn.
Nhưng đối với những người đưa ra các quyết định như vậy, đó chính là uy tín, là danh tiếng. Các quyết định về kinh tế nếu có sai vẫn còn có thể điều chỉnh, còn các quyết định về chính trị thì khó khăn hơn nhiều.
Đi chung xe với ông Putin là phóng viên Andrey Kolesnikov của báo Kommersant. Ảnh: Kommersant
- Từng có quyết định nào mà ông muốn điều chỉnh không?
Không!
- Và về tất cả những chuyện khác cũng thế. Ông cũng hiểu rằng từng có những sai lầm. Chỉ có điều ông không muốn thừa nhận điều đó.
Rất có thể (ông trầm ngâm một lát), có lẽ chúng ta đã có thể làm điều gì đó chính xác hơn, hiệu quả, sáng suốt hơn... Nhưng nói chung, có những sai lầm trong sự lựa chọn... (ông dừng khá lâu ở từ “lựa chọn”). Vâng, lựa chọn đường hướng phát triển, lựa chọn biện pháp giải quyết các vấn đề...
Những gì tôi muốn nói là: trong quá khứ chúng ta đôi khi bị chỉ trích, thậm chí bị chỉ trích rất gay gắt vì quá hà tiện và gửi quá nhiều tiền vào các nguồn dự trữ, cả bằng vàng và ngoại hối, cả trong nguồn dự trữ của ngân hàng Trung ương, rồi sau đó còn lập ra Ngân hàng dự trữ của chính phủ.
Người ta hỏi: tại sao các vị lại làm điều đó? Lẽ ra phải dành tiền cho phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các lĩnh vực thực tế của nền kinh tế, hệ thống ngân hàng thương mại... Hãy đưa tiền cho người dân, hãy chia đều!
Chuyến đi vừa là để thư giãn vừa là để lái thử một chiếc xe hơi do Nga sản xuất. Ảnh: Reuters
Nhưng những gì xét thấy cần thiết và phù hợp thì chúng ta đã trao cho dân, dưới hình thức các khoản trợ cấp. Chúng ta đã phát triển các dự án quốc gia. Còn xuất phát từ thực tế là sẽ có các cuộc khủng hoảng toàn cầu thì chúng ta cần dự trữ... Và điều quan trọng nhất là không thể bơm vào nền kinh tế của một nước những đồng tiền không do nền kinh tế ấy làm ra!
(Ông nói sôi nổi đến nỗi lơ là tay lái và mấy lần suýt đâm vào những chiếc xe chạy ngược chiều. Nhưng may sao xe cộ trên đường không nhiều lắm, tuần tra giao thông đã tìm mọi cách hạn chế xe cộ lưu thông trên những đoạn đường mà ông sẽ đi qua).
Và anh không thể hớt toàn bộ phần váng béo của ngành công nghiệp dầu khí để nuôi béo nền kinh tế! Điều này sẽ dẫn đến lạm phát...
Điều này cũng sẽ nuôi béo các lĩnh vực kinh tế có định hướng xuất khẩu hơn là phục vụ nhu cầu trong nước. Ngân hàng Trung ương và khối kinh tế của chính phủ đã cố gắng tìm cách kìm hãm quá trình này, nhưng rõ ràng là vẫn chưa đủ.
Vì thế, nền kinh tế của chúng ta bắt đầu phát triển những lĩnh vực không tập trung phục vụ cho nhu cầu trong nước, mà là cho nước ngoài.
- Có nghĩa là từng có không ít sai lầm! (tôi đắc chí nói)
Ngay sau khi thị trường nước ngoài của chúng ta bị thu hẹp (ông nói tiếp, không để ý đến giọng điệu châm chọc của tôi), các nhà sản xuất thép, phân bón, hóa dầu, kim loại màu… của chúng ta không biết phải làm gì với hàng hoá của mình.
Những sản phẩm ấy quá đắt đối với thị trường trong nước, mà ở thị trường nước ngoài thì không ai mua. Quả là một cú đòn đôi: cả về giá cả lẫn thị phần. Nhưng nếu Ngân hàng trung ương kìm hãm được các quá trình này, chẳng hạn dùng các công cụ có trong tay để siết chặt tình trạng nhập khẩu tùy thích, hoặc áp đặt các giới hạn về xuất khẩu thì nền kinh tế của chúng ta sẽ phát triển cân bằng hơn.
Có nên khiển trách Chính phủ về chuyện này không? Nên không? Vâng, có thể cần phải khiển trách Chính phủ nhiều hơn nữa, chính tôi cũng nhận thấy điều đó.
Thủ tướng Nga không đi một mình. Ngay cả khi ông dừng lại bên đường
để rửa tay cũng có bóng dáng báo chí vây quanh. Ảnh: Kommersant
- Và Chính phủ cũng đã bị chỉ trích đấy thôi
Vâng, nhưng lại bị chỉ trích vì những chuyện khác! Người ta chỉ trích rằng tại sao chúng ta đưa cho người dân ít quyền lợi thế!
Vấn đề là ở chỗ, nếu chúng ta trao nhiều quyền trong giai đoạn khủng hoảng thì mọi chuyện sẽ còn tồi tệ hơn. Nhưng kết quả cuối cùng là chúng ta đã kìm hãm được khủng hoảng, các chính sách đã tỏ ra chính xác và thỏa đáng.
Cuộc tranh cử tổng thống Nga 2012
- Tại sao ông nắm quyền lực lâu như vậy? Phải chăng ông nghĩ rằng có những việc mà chỉ có ông chứ không ai khác có thể thực hiện?
Không. Tôi nghĩ chúng ta cần thiết lập một cơ chế toàn cầu. Đó cũng chính là cơ chế cho sự ổn định quốc gia của Nga. Nó phải có khả năng chịu được những tác động nội bộ cũng như những tác động từ bên ngoài, và tất cả chúng ta cần phải chắc chắn rằng nó là một cơ chế cân bằng.
Các mối quan hệ cân bằng nội tại của chính quyền, các mối quan hệ cân bằng giữa xã hội và chính phủ, cần phải có một sự tách biệt rõ ràng về quyền hạn, mỗi một nhánh trong số đó phải thực sự có thẩm quyền của mình.
Đặc biệt, mỗi nhánh quyền lực không được phép tham gia vào các quyết định của những nhánh khác để tránh tình trạng chồng chéo, giẫm chân lên nhau.
Đối với những gì tôi phải làm và những gì tôi không nên làm, tôi không có sự lựa chọn nào khác, ngoại trừ hai cách: hoặc đứng trên bờ nhìn nước trôi xuôi, mặc cho điều gì đó sụp đổ và biến mất, hoặc xắn tay áo lên để can thiệp. Tôi chọn can thiệp.
- Nhưng những gì ông đang nói thì ông đã nói mười năm trước, khi phát hành cuốn sách "Trò chuyện với Vladimir Putin"
Đây là một quá trình lâu dài! Để ổn định, cần nhiều thập kỷ. Cũng như việc chế tạo tàu con thoi... Vậy mà bạn lại muốn tôi chỉ sau một đêm là có thể thiết lập một quốc gia có trạng thái cân bằng, ổn định! Ai dà!
Ở một số nước, điều đó không bao giờ có thể thực hiện được! Ở một số nước khác, điều đó đòi hỏi hàng chục, hàng vài chục năm! Chuyện không dễ như làm bánh rán.
Đằng sau chiếc Lada Kalina màu vàng là đoàn xe hộ tống. Ảnh: Kommersant
- Và ở nước ta, ông nhìn thấy ánh sáng nơi nào đó mà ở đó không ai nhìn thấy?
Tôi nhìn thấy (ông kiêu hãnh nói). Theo những gì chúng ta đang làm, tôi tin rằng chúng ta đang đi đúng hướng. Dưới thời Liên bang Xô viết, toàn bộ hệ thống tài chính sụp đổ, rồi hệ thống kinh tế - xã hội của chúng ta bắt đầu tan rã, bởi vì nó đã được hình thành theo kiểu chúng ta tiêu thụ những gì được sản xuất đằng sau bức màn sắt, bất kể chất lượng như thế nào...
Về thực chất, nền kinh tế của chúng ta hiện trong quá trình chuyển đổi và sự chuyển đổi này phục vụ hệ thống chính trị trong thời kỳ quá độ, và, khi nền kinh tế của chúng ta trở nên trưởng thành hơn, hiệu quả hơn, tất nhiên chúng ta cần sử dụng các phương tiện khác để kiểm soát chính trị.
- Nhiều người quan tâm đến việc ai sẽ là tổng thống. Hẳn ông đã có hình dung sơ bộ trong tâm trí ai sẽ gánh vác trách nhiệm này? Đúng vậy không?
Trên khắp thế giới đều thế cả! Các tổng thống Mỹ, như một quy luật, trước khi rời Nhà Trắng đều luôn đề cử người kế nhiệm.
Chẳng có gì là bất thường nếu người ra đi giới thiệu cho quốc gia một người mà ông ấy biết rằng đó là người đàng hoàng, chuyên nghiệp, có thể đảm đương nhiệm vụ một cách khá hiệu quả trên cương vị này.
- Vâng. Nhưng sau đó sẽ bắt đầu một cuộc tranh đua quyền lực chính trị thực sự, và người ấy có thể sẽ thua cuộc.
Đúng, người ấy có thể sẽ thua cuộc. Al Gore cũng từng bị thua. Thắng thua là chuyện thường tình. Và sau đó, ứng cử viên Bush cũng bị thua. Có sao đâu? Đời là vậy. Tổng thống giới thiệu ứng viên của mình, nhưng người dân không chấp nhận. Thì có sao đâu. Người khác sẽ đảm đương công việc này và sẽ lựa chọn phó tổng thống. Đây là một thực tiễn trên toàn thế giới.
Tôi không hiểu, tại sao ở các nước khác người ta coi đó là chuyện bình thường nhưng ở nước Nga của chúng ta thì mọi người lại cho rằng đây là một điều gì đó lạ lùng, thậm chí kỳ quặc?
- Theo kết quả của các cuộc điều tra dân ý, mức độ tín nhiệm của người dân đối ông và cả với tổng thống đều xuống thấp. Bản thân ông có cảm nhận được điều đó không?
Không.
- Vậy hẳn hai vị ít khi hỏi han nhau, ít khi gọi điện cho nhau…
Không phải thế. Tôi không chú ý lắm nhưng vẫn nhận thấy rằng ông ấy hơi dao động. Phải thôi. Khủng hoảng kinh tế đang diễn ra. Rất nhiều người phải khốn khổ vì nó. Tôi hiểu chứ. Chúng tôi đã nỗ lực hết mình, nhưng không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Và cũng không phải tất cả mọi người đều biết điều đó.
Tôi có thể nói với ai đó rằng chúng tôi đã làm điều này điều nọ, nhưng người đó có thể đốp lại: “Thôi đi, đừng bẻm mép nữa!”. Như vậy có nghĩa là tôi làm việc kém. Có thể nói gì về chuyện này? Chỉ có thể nói rằng người dân đã suy nghĩ đúng.
Thực chất, có hai chiếc xe màu vàng, một chiếc có biển số C020PM,
chiếc kia có biển số C080PM. Ảnh: Kommersant
Thỉnh thoảng tôi có cảm giác rằng không thể làm gì được với đất nước này. Rằng một dự án toàn cầu nào đó nhất định rồi sẽ sụp đổ ở đâu đó, ở mức độ nào đó nếu các quan chức không được hưởng lợi từ nó. Ông có bao giờ có cảm giác đó không? Ông có cảm thấy bất lực và chán nản không?
Nói thực nhé. Tôi chỉ chú mục vào những vấn đề quan trọng. Nếu tôi cho rằng một vấn đề nào đó đáng được ưu tiên hàng đầu, tôi sẽ không băn khoăn về những cản trở chính trị hay hành chính khi giải quyết nó. Tôi cũng không lo lắng về những hậu quả mà bản thân mình có thể sẽ phải gánh chịu.
Người ta có thể chửi thẳng vào mặt tôi: “Đồ vô dụng, chuyện chỉ có thế mà cũng không giải quyết nổi, vậy mà cũng đòi gánh vác!”. Nhưng nếu xét thấy điều đó là cần thiết cho đất nước, tôi sẽ tự khích lệ mình.
Dĩ nhiên có những vấn đề phải mất hàng vài chục năm mới có thể giải quyết. Chẳng hạn, vấn đề nhà ở. Nếu cứ tự nhủ mình: “Ôi dào, đó là chuyện nan giải!” thì quá dễ. Nhiều người đã quen với nếp nghĩ đó. Họ có thể lầm bầm chửi rủa, để rồi cuối cùng thì nói rằng không có kinh phí cho việc nọ việc kia, rằng chúng ta phải nghĩ đến chuyện tăng lương tăng thưởng, vân vân.
Nhưng chúng tôi không làm thế. Chúng tôi tìm mọi cách bảo đảm nhà ở cho cựu chiến binh. Bây giờ đây chúng tôi đang lo chỗ ở cho quân nhân. Bạn cũng biết đấy, trong điều kiện hiện nay, đó dường như là điều không thể thực hiện. Nhưng chúng tôi đang nỗ lực thực hiện đến cùng!
Chính khách càng quan tâm đến uy tín của mình thì càng mau chóng đánh mất nó. Do quá lo sợ nên trước khi đưa ra một quyết định nào đó, người ấy thường nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến cái gọi là uy tín của mình như thế nào, mà không nghĩ đến hiệu quả của công việc. Như vậy thì chỉ có thể dẫn đến một kết quả tồi tệ mà thôi.
- Nghĩa là ông không bị ám ảnh bởi cảm giác nghiện quyền lực? Đời tôi chẳng bao giờ nghiện thứ gì. Có cảm giác như ông không mấy bận tâm đến chuyện bầu cử năm 2012. Phải chăng vì ông đã quyết định mọi chuyện cho bản thân mình?
Không, tôi vẫn quan tâm đến chuyện ấy đấy chứ. Như mọi người thôi. Thậm chí tôi quan tâm nhiều hơn so với mọi người. Nhưng tôi không coi đó là một linh vật cần được sùng bái. Nhìn chung thì đất nước chúng ta đang phát triển bền vững, ổn định, không có những vấn đề lớn lao, phức tạp.
Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua quả có kìm hãm chúng ta đôi chút, nhưng mặt khác nó lại giúp chúng ta tập trung hơn cho những lĩnh vực cần được ưu tiên hàng đầu... Điều quan trọng nhất là làm sao để chuyện bầu cử năm 2012 không trở thành vấn đề gây cản trở cho sự phát triển ổn định của chúng ta.
Dĩ nhiên, sẽ xuất hiện những cuộc cạnh tranh chính trị khiến quốc gia và xã hội bị xao nhãng, mất tập trung trong các lĩnh vực phát triển kinh tế. Nhưng đó là một cái giá phải trả để xã hội chúng ta, đất nước chúng ta tăng cường năng lực cạnh tranh.
Đôi lúc những chiếc xe chạy ngược chiều phải dừng lại nhường đường
cho đoàn xe 10 chiếc của thủ tướng. Ảnh: Kommersant
Báo chí tuy khó chịu nhưng cần thiết
Đối với những gì tôi phải làm và những gì tôi không nên làm, tôi không có sự lựa chọn nào khác, ngoại trừ hai cách: hoặc đứng trên bờ nhìn nước trôi xuôi, mặc cho điều gì đó sụp đổ và biến mất, hoặc xắn tay áo lên để can thiệp. Tôi chọn can thiệp. - Thủ tướng Nga Vladimir Putin |
- Ông từng nói rằng sau khi Mahatma Gandhi qua đời, ông không còn có ai để trò chuyện. Phải chăng chỉ là nói đùa?
Tất nhiên là đùa. Tôi bất chợt nghĩ ra và nói vậy. Thế rồi một nhà báo Đức chộp lấy, dẫn luôn vào bài viết của mình.
- Nghĩa là ông cũng có ai đó để tâm sự, lắng nghe, khuyên nhủ?
Tôi vẫn thường xuyên tâm sự với anh đấy thôi. Nhờ anh mà tôi biết giá xăng ở Kamchatka tăng đột biến. Tôi đã yêu cầu người đứng đầu Kamchatka kiểm tra lại chuyện này và bây giờ thì giá xăng đã bình ổn.
- Ông nghĩ sao về cánh nhà báo. Phải chăng đó là một lũ ác tâm hoặc luôn kè kè bên cạnh ông, hoặc luôn viết về ông?
Nhà báo cũng có nhiều loại. Nếu nói rằng báo chí chính trị xã hội luôn đối lập với chính quyền thì phải nên coi đó là cơn đau, tuy khó chịu nhưng lại cần thiết cho cơ thể.
- Vậy thì tôi sẽ làm cho ông đau một lần nữa.
Xin mời.
(Thỉnh thoảng tôi có cảm giác con người đeo kính đen mặc áo thun xám ngồi sau tay lái kia là một tài xế taxi mà tôi tình cờ vẫy được dọc đường. Hoặc chỉ là một tay lái bình thường, muốn có bạn nói chuyện để quên bớt đường xa nên đã chủ động cho tôi đi nhờ)
Bình luận (0)