Trước đó, ngày 26-4, Tòa án Tối cao Pakistan ra phán quyết rằng Thủ tướng Gilani không tuân thủ yêu cầu của tòa về việc đề nghị giới chức Thụy Sĩ mở lại cuộc điều tra tham nhũng đối với Tổng thống Asif Ali Zardari hồi thập niên 1990.
Thủ tướng Gilani bị truất quyền có thể đẩy Pakistan vào khủng hoảng. Ảnh: AP
Phán quyết ngày 19-6 của Tòa án Tối cao Pakistan đã truất tư cách thành viên quốc hội của ông Gilani từ ngày 26-4 (ngày ông bị kết tội) và cũng thôi giữ chức thủ tướng. Ủy ban bầu cử sẽ ra một thông báo về quyết định truất tư cách thủ tướng của ông Gilani, và tổng thống được đề nghị áp dụng những biện pháp cần thiết để đảm bảo tính liền mạch của tiến trình dân chủ.
Cũng theo phán quyết này, ông Gilani không được nắm giữ các chức vụ trong các cơ quan công quyền trong vòng 5 năm và phải chấp hành phán quyết trên trong thời hạn 30 ngày. Chính phủ đương nhiệm Pakistan cũng bị giải tán ngay lập tức do tư cách thủ tướng của ông Gilani đã bị bãi bỏ.
Các nguồn tin địa phương cho biết Tổng thống Zardariđã triệu tập phiên họp khẩn cấp của lãnh đạo Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) cầm quyền để xem xét các khả năng, bao gồm cả việc phải chỉ định một thủ tướng mới.
Được đánh giá là “đảo chính mang tính pháp lý”, phán quyết ngày 19-6 có thể đẩy Pakistan vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với những thách thức về an ninh và khó khăn về kinh tế cũng như căng thẳng trong quan hệ với Mỹ.
Phán quyết cũng là hậu quả của xung đột kéo dài giữa các thẩm phán và chính phủ Pakistan. Ngay cả khi hai ông Gilani và Zardari cố kháng án, Pakistan cũng có thể rơi vào bất ổn, thậm chí tạo cớ cho quân đội thực hiện đảo chính.
Bình luận (0)