Ông Prayuth từng chia sẻ ý định “tử hình” các nhà báo viết không đúng sự thật. Văn phòng thủ tướng sau đó đính chính đó chỉ là một lời nói đùa. Từ trước đến nay, quan hệ với truyền thông của ông Prayuth có thể xem như một sự “yêu ghét lẫn lộn”.
Những người ủng hộ ông trìu mến gọi ông bằng cái tên “Bác Prayuth”. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền lại chỉ trích ông vì sử dụng biện pháp mạnh tay chống lại những kẻ chỉ trích.
Hôm 25-6, vị thủ tướng Thái Lan cho biết ông không bao giờ cố gắng kiểm duyệt các phương tiện truyền thông. Phát biểu trước các phóng viên, ông Prayuth tuyên bố: “Tôi không sợ báo chí nhưng tôi yêu cầu sự công bằng bởi vì tôi chưa bao giờ cấm nhà báo lên tiếng hay viết bất cứ điều gì. Tôi rất thân thiện với giới truyền thông. Tôi không có quyền kiểm soát họ và ngược lại”.
Phát ngôn viên Hội đồng Hòa bình - Trật tự Quốc gia Thái Lan (NCPO) Winthai Suvaree cho hay Bangkok sẽ tổ chức một “lớp học” vào tuần tới để dạy cho 200 nhà báo trong nước cũng như nước ngoài cách đặt câu hỏi không xúc phạm thủ tướng Prayuth.
CLB Nhà báo Nước ngoài của Thái Lan (FCCT) phản ánh rằng các thành viên của mình gặp khó khăn khi tác nghiệp bên cạnh những đồng nghiệp bản địa. Song ông Winthai khẳng định với hãng tin Reuters rằng Bangkok không áp đặt chính sách ngăn cản nhà báo nước ngoài đổi mới thị thực hoặc xin làm việc ở Thái Lan.
Tháng 5-2014, tướng Prayuth lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong một cuộc đảo chính, chấm dứt nhiều tháng biểu tình đường phố.
Bình luận (0)