Đây là lần đầu tiên bà Yingluck công khai phát biểu kể từ khi các cuộc biểu tình ôn hòa chuyển sang bạo lực từ hôm 30-11.
"Tất cả những gì tôi làm là nhằm đem lại hạnh phúc cho mọi người, tôi đang thực hiện nhiệm vụ đó. Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể để người dân hài lòng. Nhưng với tư cách một Thủ tướng, những gì tôi làm cũng phải tuân thủ theo hiến pháp" - bà Yingluck nói.
Cảnh sát dùng vòi rồng chặn đường người biểu tình ngoài tòa nhà chính phủ. Ảnh: Reuters
Bà Yingluck mô tả yêu sách của phe biểu tình là vi hiến. Trước đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban đã yêu cầu bà phải từ chức, hạn chót là tối 3-12, để chuyển giao quyền điều hành đất nước cho “hội đồng nhân dân”.
Tuy nhiên, bà Yingluck nhấn mạnh vẫn sẽ tiếp tục để ngỏ khả năng đàm phán với phe đối lập vào bất kỳ thời điểm nào.
Tình hình Bangkok vẫn rất căng thẳng. Reuters cho biết cảnh sát Thái Lan đã bắt đầu sử dụng đạn cao su để đối phó với khoảng 2.000 người biểu tình đang cố xông vào tòa nhà chính phủ, nơi có văn phòng thủ tướng, và các cơ quan chính phủ khác.
“Chúng tôi đang thay phiên sử dụng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su. Chúng tôi chỉ sử dụng đạn cao su ở một địa điểm, đó là cây cầu gần tòa nhà chính phủ” - lãnh đạo an ninh quốc gia Thái Lan Paradorn Pattanathabutr cho hay.
Báo Bangkok Post cho biết một số sĩ quan cảnh sát đã cung cấp thông tin về kế hoạch phòng vệ cho người biểu tình, khiến người đứng đầu lực lượng cảnh sát quốc gia Adul Saengsingkaew đe dọa trừng phạt nghiêm khắc.
Bà Yingluck mô tả yêu sách của phe biểu tình là "vi hiến". Ảnh: Reuters
Cuộc biểu tình hiện nay đã bước sang ngày thứ 32. Thái Lan đã chứng kiến 18 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính kể từ năm 1932, gần nhất là vụ lật đổ ông Thaksin năm 2006. Nhưng lần này, quân đội đã tuyên bố sẽ đứng ngoài xung đột chính trị.
"Lực lượng vũ trang sẽ đứng trung lập và tôi biết rằng họ muốn đất nước được yên ổn" - bà Yingluck nói. Bà cho biết mục tiêu tối thượng lúc này là khôi phục lại hòa bình tại thủ đô, song tiếp tục cam kết cảnh sát sẽ không sử dụng vũ lực đối với nhân dân.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Pracha Promnog khẳng định chính phủ vẫn đứng vững và cáo buộc ông Suthep âm mưu lật đổ nhánh hành pháp của chính phủ. “Đây là tội phản quốc, xứng đáng với bản án tử hình” - ông Pracha nhấn mạnh.
Bình luận (0)