Nội các Thái Lan hôm 7-5 chỉ định Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Niwattumrong Boonsongpaisan làm thủ tướng tạm quyền thay bà Yingluck Shinawatra, người bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan buộc từ chức vì tội lạm quyền trước đó.
Tòa án đi cửa giữa
Theo Reuters, bà Yingluck bị buộc tội do thuyên chuyển Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Thawil Pliensri sang vị trí cố vấn thủ tướng hồi năm 2011. Thế chỗ ông Thawil là cảnh sát trưởng quốc gia Wichien Podposri và thay ông Wichien là em trai của vợ cũ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra - ông Priewpan Damapong.
Tòa cho rằng hành động của nữ thủ tướng 46 tuổi là vi phạm pháp luật và gây ra xung đột lợi ích. Tự bào chữa trước tòa ngày 6-5, bà Yingluck khẳng định việc bổ nhiệm nêu trên hoàn toàn vì lợi ích của Thái Lan và ông Thaksin đã ly hôn vợ nên bà không hưởng lợi gì.
Được công bố chỉ một ngày sau khi vị nữ thủ tướng đánh dấu ngày thứ 1.000 tại vị, phán quyết nêu trên không nằm ngoài dự đoán nhưng nhiều khả năng vẫn gây sóng gió lớn trên chính trường Thái Lan. Chủ tịch Đảng Pheu Thai cầm quyền kiêm Bộ trưởng Nội vụ Charupong Ruangsuwan từ hôm 6-5 khẳng định đảng đã chuẩn bị kế hoạch đối phó với phán quyết bất lợi.
Giới phân tích ban đầu dự đoán tòa án sẽ bãi nhiệm toàn bộ nội các của bà Yingluck nhưng các thẩm phán nhất trí chỉ bãi chức 9 bộ trưởng liên quan tới quyết định thuyên chuyển. Thủ lĩnh Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD, tức phe “Áo đỏ” ủng hộ chính phủ), ông Jatuporn Prompan, nhận định Tòa án Hiến pháp đã lựa chọn con đường trung dung.
Chưa thấy lối thoát
Cũng như bà Yingluck, phe “Áo đỏ” không xuất hiện ở tòa án ngày 7-5 song ông Prompan tuyên bố họ sẽ biểu tình lớn ở thủ đô vào ngày 10-5. Sáng 7-5, cảnh sát phát hiện nhiều vũ khí tại khu vực của phe “Áo đỏ” bên ngoài thủ đô, trong khi phe biểu tình chống chính phủ tiếp tục diễu hành ở Bangkok. Chủ tịch Ủy ban Cải cách Dân chủ nhân dân (PDRC) Suthep Thaugsuban kêu gọi xuống đường vào tuần tới để ăn mừng chiến thắng sau khi bà Yingluck bị “lật đổ”.
Bằng cách buộc bà Yingluck từ chức, hệ thống pháp luật Thái Lan đã thực hiện điều mà phe biểu tình chống chính phủ cố tiến hành từ tháng 11 năm ngoái nhưng dường như vẫn chưa thể đặt đấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ông Paul Quaglia, giám đốc công ty đánh giá mạo hiểm PQA Associates tại Bangkok, nhận định phán quyết nêu trên sẽ châm ngòi thêm nhiều cuộc biểu tình và rối loạn trong những ngày tới. Theo ông, những cáo buộc chống lại bà Yingluck “khá yếu ớt” và tội lạm quyền nghe có vẻ “phóng đại”. “Bà ấy chỉ phê chuẩn việc thuyên chuyển một quan chức quân sự sang vị trí dân sự. Chuyện ấy chỉ mang tính thủ tục. Những người ủng hộ tất nhiên cho rằng tòa án chỉ kiếm cớ để phế truất nữ thủ tướng và nội các của bà” - ông nói.
Tòa án Hiến pháp vốn bị chỉ trích là không công bằng với những chính phủ thân cận gia tộc Shinawatra, nhất là sau phán quyết phế truất tương tự đối với 2 thủ tướng có liên quan đến ông Thaksin vào năm 2008.
Hồi đầu năm nay, một tòa án khác tuyên bố cách bà Yingluck thuyên chuyển vị trí của ông Thawil là không đúng. Ông này sau đó được phục chức nhưng vẫn công khai chỉ trích chính phủ của bà Yingluck. n
Bình luận (0)