Chớp đôi mắt ngấn nước, bà Yingluck nói: “Tôi muốn người dân biết rằng tôi rất có ý chí. Tôi sẽ không bao giờ ngã lòng trong cuộc chiến với lũ lụt”.
Bà Yingluck: "Tôi chưa bao giờ khóc, vì tôi cần phải mạnh mẽ". Ảnh: The Nation
Trả lời câu hỏi có phải bà thường bật khóc kể từ khi lũ lụt hoành hành dữ dội, nữ thủ tướng phủ nhận. “Những tấm ảnh trông tôi giống như khóc là do góc chụp. Tôi chưa bao giờ khóc, vì ở cương vị này, tôi cần phải mạnh mẽ” – bà nói.
Bà thừa nhận lũ lụt ở thủ đô đã chạm mốc thảm họa. Bà chia sẻ: “Chính phủ đã cố hết sức chống chọi với tự nhiên, với sức mạnh của dòng nước lũ. Chúng tôi vừa gia cố đê bao vừa đối mặt với những người phản đối. Tôi kêu gọi người dân thấu hiểu cho chính phủ, vì tôi không muốn dùng luật pháp để chế ngự hỗn loạn”.
Người tình nguyện đắp bao cát cản nước lũ vào tòa nhà chính phủ ở Bangkok. Ảnh: Bangkok Post
Thủ tướng Yingluck cũng mong muốn dòng nước lũ sẽ cuốn phăng mọi bất đồng chính trị. Bà hy vọng mọi đảng phái sẽ chung tay đưa đất nước vượt qua khủng hoảng.
Khi được hỏi về xung đột giữa các chính trị gia và chính quyền địa phương ở một số nơi, bà Yingluck cho rằng đó chỉ là bất đồng quan điểm nhưng tất cả đều muốn phụng sự nhân dân.
Đào đường thành kênh để thoát lũ
Theo Thị trưởng Bangkok Sukhumbhand Paribatra, mực nước sông Chao Phraya chảy qua Bangkok đã đạt kỷ lục mới - 2,47 m trên mực nước biển, theo đo đạc sáng nay, 28-10.
Triều cường trên sông Chao Phraya tiếp tục gây thiệt hại cho nhiều khu vực ven sông ở các quận Bang Phlat, Bangkok Noi và Phra Nakhon, buộc chính phủ khuyến cáo người dân sẵn sàng tinh thần sơ tán.
Nước sông Chao Phraya tràn bờ nhiều nơi ở quận Pak Khlong Talat. Ảnh: Bangkok Post Thủy triều trên sông Chao Phraya càng khiến lũ lụt thêm nghiêm trọng. Ảnh: AFP
Thị trưởng Paribatra đồng tình với kế hoạch thoát lũ mới của Trung tâm Điều hành cứu trợ lũ lụt (FROC), theo đó sẽ đào kênh trực tiếp trên 5 tuyến đường trọng yếu ở phía đông Bangkok, gồm Pracha Ruam Jai, Rat Uthit, Suwinthawong, Nimitr Mai và Ruam Phattana, để dẫn dòng nước khổng lồ sang phía đông thủ đô và chảy ra biển. Các con kênh này rộng từ 5-6 m.
Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch này cần được tiến hành thận trọng để giảm thiểu ảnh hưởng đối với người dân sống gần 5 tuyến đường này.
Kế hoạch thoát lũ mới này được đề xuất bởi một nhóm kỹ sư và chuyên gia quản lý nguồn nước do ông Ninnart Chaithirapinyo – Phó chủ tịch Công ty Toyota Motor Thái Lan – dẫn đầu. Họ đã gặp Thủ tướng Yingluck tại FROC ngày 27-10 để thảo luận.
Ông Ninnart lý giải các máy bơm và hệ thống thoát nước ở phía đông Bangkok làm việc không hết công suất do các con đường đã cản nước lũ đến được nơi đặt máy bơm. Bà Yingluck đã giao cho Bộ Giao thông và các cơ quan liên quan xem xét kỹ hơn đề xuất này, trong đó đặc biệt lưu ý đến khả năng cản trở giao thông.
Bên ngoài Hoàng cung Thái Lan lênh láng nước. Ảnh: AFP
Quận Lak Si của Bangkok cũng ngập sâu. Ảnh: Bangkok Post
Trong khi đó, FROC đã chuẩn bị xong nơi ở tạm cho dân Bangkok sơ tán ở 9 tỉnh khác, trong đó có Kanchanaburi, Ratchaburi, Phetchaburi, Chachoengsao và Samut Sakhon.
Phát biểu trên truyền hình đêm 27-10, người phát ngôn của FROC Tongthong Chantarangsu nói đây là sự chuẩn bị dành tình huống xấu nhất khi Bangkok bị ngập từ 15 ngày đến một tháng.
Để tăng tốc độ sơ tán, ông Chantarangsu khuyên người dân lựa chọn điểm tập kết phù hợp. Bên cạnh đó, FROC cũng sẽ ban hành dự báo về giờ lũ về để người dân chuẩn bị.
Người dân quận Sai Mai, Bangkok tiếp tục sơ tán ngày 28-10 khi nước ngập ngày càng cao. Ảnh: Bangkok Post Nườm nượp sơ tán tại sân bay Suvarnabhumi. Ảnh: Bangkok Post
Thông báo này được đưa ra trong tình trạng ngập lụt tại Bangkok ngày càng trầm trọng. Hiện nay, nước ngập ở quận Thawi Watthana của Bangkok đã dâng thêm 20 cm so với hôm qua, 27-10. Xe lửa và các phương tiện khác không thể vượt qua nước ngập ở nhiều khu vực trong quận. Khoảng 40.000 người ở Thawi Watthana bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và nhiều người đã sẵn sàng sơ tán.
Ít nhất 85% sân bay Don Muang đã chìm dưới 50 cm nước. Mỗi ngày, sân bay này bị mất điện hai lần do các máy phát điện bị nước lũ phá hỏng. Giám đốc sân bay Kanphat Mangkhlasiri lo ngại nước lụt sẽ tràn vào khu vực đặt hệ thống phân phối nguồn điện của sân bay.
85% sân bay Don Muang đã ngập dưới 50 cm nước. Ảnh: AFP
Tỉnh Nonthaburi ở phía bắc Bangkok chìm trong nước. Ảnh: Bangkok Post
Dù vậy thủ tướng Yingluck vẫn không cho di dời tổng hành dinh FROC ra khỏi sân bay Don Muang. "Các máy phát sẽ được sửa trong vòng một ngày. Đó là vấn đề nhỏ. Ưu tiên lớn nhất của tôi là chăm lo cho người dân. Chỉ khi tất cả người sơ tán ở sân bay Don Muang được đưa đi, tôi mới xem xét di dời FROC” – bà Yingluck quả quyết.
Hơn 200 người thiệt mạng vì lũ ở Campuchia
Lũ lụt cũng hoành hành ở Campuchia từ đầu tháng 9. Tính đến ngày 21-10, đã có 207 người thiệt mạng và từ 34.000 – 46.000 gia đình phải sơ tán khỏi nhà cửa.
Nước ngập ở tỉnh Prey Veng. Ảnh: Phnom Penh Post
Nước bao vây một khu ổ chuột ở Phnom Penh. Ảnh: AP
Hơn 445.000 ha diện tích lương thực đã bị phá hủy, trong đó có 9% diện tích trồng lúa toàn quốc hư hại hoàn toàn và 16% có nguy cơ mất trắng. Theo Ủy ban Ứng phó thảm họa Campuchia (NCDM), nước này đã thiệt hại hơn 100 triệu USD vì lũ lụt.
Thiệt hại nặng nhất là các tỉnh Kandal, Kampong Thom, Prey Veng, Kampong Cham và Siem Riep. Ngành du lịch Campuchia cũng bị ảnh hưởng nặng, nhất là Siem Reap – nơi thu hút đến 60% lượng khách quốc tế đến Campuchia.
Đường xá ở Siem Riep bị ngập nước. Ảnh: Phnom Penh Post |
Bình luận (0)