Ngày 25-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) từ ngày 25 đến 28-6, theo lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Nhiều điều kiện thuận lợi
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm của Thủ tướng là một bước phát triển mới rất quan trọng, nhằm cụ thể hóa và triển khai những kết quả thực chất của chuyến thăm hết sức thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc vào tháng 11-2022, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế khu vực và thế giới suy giảm.
Chuyến thăm này sẽ tập trung vào việc tìm ra các biện pháp cụ thể để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, giữa các địa phương, cũng như tìm cách tháo gỡ nhằm thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa hai nước.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong 5 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 63,2 tỉ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái - theo thống kê của Hải quan Việt Nam và đạt 87,6 tỉ USD, giảm 2,6% - theo thống kê của Hải quan Trung Quốc.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh, trong đó xuất khẩu gạo tăng 62,8%, xuất khẩu hạt điều tăng 8%, riêng xuất khẩu sầu riêng tăng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết Trung Quốc đã nới lỏng chính sách phòng dịch COVID-19, xác định tập trung giữ vững ổn định phát triển và bảo đảm tăng trưởng.
Do đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khi hành lang xuất nhập khẩu trở nên thông thoáng hơn, thị trường tiêu dùng nội địa nước này mở rộng nhu cầu và hợp tác thương mại với các nước ASEAN được Trung Quốc coi trọng. Các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam có lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc ngày 25-6Ảnh: TTXVN
Tháo gỡ vướng mắc
Tuy nhiên, theo Đại sứ Phạm Sao Mai, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng gặp một số thách thức do sự phục hồi tiêu dùng tại nước này chưa đạt kỳ vọng và áp lực cạnh tranh từ hàng hóa của các nước khác cũng như hàng hóa nội địa Trung Quốc.
Giai đoạn tới, để gia tăng, tận dụng hơn nữa tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Đại sứ Phạm Sao Mai cho rằng chúng ta cần tiếp tục giữ vững thị phần xuất khẩu tại các địa phương tiếp giáp Việt Nam như Quảng Tây, Vân Nam, Quảng Đông; thúc đẩy xuất khẩu tới các địa bàn tiềm năng khác như khu vực Hoa Bắc, Hoa Đông, miền Trung và miền Tây Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng những lợi thế của thị trường như hệ thống logistics thuận tiện, thương mại điện tử phát triển, gia tăng vận tải đường biển và đường sắt, giảm áp lực xuất khẩu bằng đường bộ. Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc; cần đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường này đối với các nhóm hàng hóa cụ thể. Các cơ quan chức năng cần gia tăng chất lượng và số lượng chương trình phổ biến, cập nhật thông tin về thị trường Trung Quốc; đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ lớn, có uy tín của nước này.
Theo ông Nguyễn Vinh Quang - cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung - những vấn đề được hai Thủ tướng hai nước nêu ra tại cuộc điện đàm vào đầu tháng 4 vừa qua sẽ được hai bên đi sâu thảo luận trực tiếp, cụ thể hơn.
Ông Quang nhấn mạnh chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có tác động rất tích cực đối với việc thúc đẩy kinh tế thương mại giữa hai nước. Các vấn đề vướng mắc trong hợp tác kinh tế thương mại sau đại dịch, như vấn đề thông quan hàng hóa, đầu tư..., sẽ được hai Thủ tướng thảo luận trực tiếp và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết.
Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ tiến lên một bước mới, góp phần hiệu quả trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Với chủ đề "Tinh thần kinh doanh: Động lực của kinh tế toàn cầu", Hội nghị WEF Thiên Tân 2023 có sự tham gia của rất nhiều nhà lãnh đạo Chính phủ và hơn 1.000 doanh nghiệp từ các nơi trên thế giới.
Là một trong 4 lãnh đạo Chính phủ chủ chốt được mời tham dự hội nghị, trong các bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ nêu một số kiến nghị liên quan các mô hình hợp tác công tư, mô hình phối hợp giữa Chính phủ và doanh nghiệp; cũng như các biện pháp để thu hút nguồn tài chính xanh, bền vững và những doanh nghiệp hàng đầu vào nền kinh tế Việt Nam.
Bình luận (0)