Tối 2-7 (theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Tokyo, bắt đầu các hoạt động tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 2 đến 4-7. Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay quốc tế Haneda ở thủ đô Tokyo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Minoru Kiuchi, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Hiroshi Fukada, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng; các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Quang cảnh lễ đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay quốc tế Haneda ở thủ đô Tokyo hôm 2-7 Ảnh: TTXVN
Theo TTXVN, đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 nhằm góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn tới theo hướng hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng; khẳng định cam kết và vai trò của Việt Nam đối với hợp tác Mekong - Nhật Bản; củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước tiểu vùng Mekong; tăng cường sự tin cậy chính trị, đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản phát triển ngày càng hiệu quả, toàn diện.
Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7 diễn ra trong bối cảnh hợp tác Mekong - Nhật Bản đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong việc thực hiện Chiến lược Tokyo 2012. Hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm thống nhất định hướng cho hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn 2016-2018. Hội nghị sẽ rà soát tình hình hợp tác Mekong - Nhật Bản, đặc biệt là kế hoạch triển khai Mekong - Nhật Bản giai đoạn 2013-2015 và đề ra các ưu tiên hợp tác trong thời gian tới. Dự kiến, hội nghị sẽ thông qua “Chiến lược Tokyo 2015” với các phương hướng lớn cho hợp tác Mekong - Nhật Bản giai đoạn 2016-2018.
Tại Hội nghị Mekong - Nhật Bản lần thứ 6 được tổ chức ở Myanmar vào tháng 11-2014, các bên đã nhất trí 3 vấn đề lớn, gồm: Tăng cường kết nối khu vực Mekong, trong đó chú trọng phát triển các hành lang kinh tế và các tuyến đường mới gắn kết Tiểu vùng Mekong với Tiểu lục địa Ấn Độ và Nam Á; Xây dựng “Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong” nhằm phát triển các chuỗi giá trị khu vực và tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh giữa tiểu vùng Mekong và Nhật Bản; Hợp tác phát triển bền vững Tiểu vùng Mekong thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng carbon thấp, chú trọng tính bền vững về môi trường và xã hội trong phát triển hạ tầng cơ sở, xây dựng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn điều kiện tự nhiên của Tiểu vùng Mekong.
Trước đó, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 2 tại Hà Nội vào tháng 10-2010. Hội nghị đã thông qua Chương trình hành động của “Sáng kiến hợp tác kinh tế và công nghiệp Mekong - Nhật Bản”, tập trung vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng cứng, thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở rộng các ngành dịch vụ và công nghiệp mới.
Cho tới nay, Nhật Bản và các nước Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tiến hành 7 hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao và 6 hội nghị cấp cao, trong đó đã đạt được một số thỏa thuận và triển khai cụ thể như Nhật Bản đã cam kết dành 20 triệu USD cho các nước CLMV (Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam) để phát triển hạ tầng mềm Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và Hành lang TP HCM - Phnom Penh - Bangkok.
Bình luận (0)