Gần 100 nhà lãnh đạo và hàng chục bộ trưởng đến từ 140 quốc gia phát biểu tại phiên họp trực tuyến đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ), diễn ra trong 2 ngày 3 và 4-12. Phiên họp này được tổ chức để bàn về giải pháp ứng phó dịch Covid-19 và lộ trình phục hồi tốt nhất từ đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người, hủy hoại các nền kinh tế và khiến hàng chục triệu người thất nghiệp trên toàn thế giới.
Theo phát ngôn viên Brenden Varma của ĐHĐ LHQ, phiên họp này không phải để gây quỹ tiêm chủng hoặc đưa ra hành động chính trị, mà để thúc đẩy hợp tác đa phương trong cuộc chiến chống Covid-19.
Phó đại sứ LHQ của Canada, bà Louise Blais, khẳng định phiên họp diễn ra vào "thời điểm quan trọng" khi nhiều ứng viên vắc-xin Covid-19 đã được chứng minh hiệu quả. Cũng theo bà Blais, phân phối vắc-xin là một trong những chủ đề thảo luận chính và đây là vấn đề mà "thế giới đang trông đợi chúng tôi hợp tác và bảo đảm vắc-xin được phân phối công bằng trên toàn cầu".
Hành khách tại điểm xét nghiệm Covid-19 ở sân bay Manchester (Anh) hôm 3-12.Ảnh: REUTERS
Đại diện Mỹ phát biểu tại phiên họp là Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ dân sinh Alex Azar. Quan chức này hôm 2-12 hoan nghênh thông tin Anh cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Covid-19 của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức). "Thông tin này khiến chúng ta yên tâm hơn rất nhiều. Một cơ quan quản lý độc lập ở một quốc gia khác đã xác nhận vắc-xin an toàn và hiệu quả" - ông Azar cho biết. Theo Reuters, đây là dấu hiệu cho thấy các cơ quan quản lý của Mỹ sẽ sớm thực hiện nước đi tương tự để bắt đầu chương trình tiêm chủng.
Cùng ngày, ông Moncef Slaoui - cố vấn khoa học của chương trình vắc-xin Covid-19 mang tên "Operation Warp Speed" của chính phủ Mỹ - tiết lộ nước này hy vọng tiêm chủng cho 100 triệu người từ giữa tháng 12-2020 đến cuối tháng 2-2021. Những người này, theo ông Slaoui, sẽ bao gồm nhóm dân số dễ bị lây nhiễm, trong đó có người lớn tuổi, nhân viên chăm sóc sức khỏe và những người chống dịch tuyến đầu. Dù vậy, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Robert Redfield cảnh báo Covid-19 sẽ gây ra khủng hoảng y tế tồi tệ nhất cho Mỹ trong 3 tháng 12-2020, 1 và 2-2021 trước khi có đủ vắc-xin để tiêm chủng diện rộng.
Cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc Mỹ thiết lập 2 kỷ lục buồn hôm 2-12: Số ca nhiễm mới trong ngày lần đầu tiên vượt mốc hơn 200.000 và hơn 100.000 người mắc Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viện khắp cả nước. Diễn biến này nêu bật quy mô và mức độ nghiêm trọng của tình hình Covid-19 ở Mỹ lúc này. Theo thống kê của Dự án Theo dõi Covid-19, đây là lần đầu tiên số người phải nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ vượt mốc 60.000 người. Bác sĩ Janis Orlowski, từ Hiệp hội Các trường Y khoa Mỹ (AAMC), khẳng định trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với đài CNBC rằng bà không thể nhớ bất cứ dịch bệnh nào có thể khiến nhiều người Mỹ bị lây nhiễm cùng lúc như Covid-19.
Tại Nga, Tổng thống Vladimir Putin vừa ra lệnh tiến hành tiêm đại trà vắc-xin Covid-19 do nước này phát triển từ tuần sau. "Hơn 2 triệu liều đã được sản xuất hoặc sẽ được sản xuất trong vài ngày tới… Điều này cho phép chúng ta bắt đầu chiến dịch tiêm chủng diện rộng" - ông Putin khẳng định trong cuộc họp chính phủ hôm 2-12, đồng thời nhấn mạnh bác sĩ và giáo viên sẽ là những người được tiêm chủng đầu tiên.
EU chỉ trích Anh "nóng vội"
Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích Anh về việc quốc gia này phê duyệt vắc-xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech vào ngày 2-12, tức chỉ mới 10 ngày sau khi Cơ quan Quản lý Thuốc uống và Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) bắt đầu xem xét dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm vắc-xin quy mô lớn. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng nên dành nhiều thời gian hơn để đánh giá trước khi phê duyệt vắc-xin Covid-19.
Cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) công bố chiến lược kiểm soát Covid-19 xuyên suốt mùa lễ Giáng sinh và năm mới khi rủi ro lây nhiễm có thể gia tăng vì các hoạt động tụ tập trong nhà. Chiến lược khuyến nghị tiếp tục cảnh giác và thận trọng, tập trung vào các biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm và truy dấu tiếp xúc, cũng như di chuyển an toàn... để tránh rủi ro gia tăng ca nhiễm và tử vong sau kỳ nghỉ.
Tại châu Á, tình hình Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nước. Indonesia hôm 3-12 ghi nhận thêm 8.369 ca nhiễm sau 24 giờ, so với mức 5.533 ca của một ngày trước đó. Đây là lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận mức tăng hơn 8.000 ca nhiễm/ngày. Cùng giai đoạn, Hàn Quốc ghi nhận thêm 540 ca nhiễm, tăng từ 511 ca của một ngày trước đó. Trong đó, thủ đô Seoul là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì làn sóng lây nhiễm thứ 3, ghi nhận mức tăng kỷ lục 260 ca nhiễm.
Bình luận (0)