Bà Karen Leong, một chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, nhận xét 60 giây đầu tiên cho thấy hai nhà lãnh đạo tìm cách điều khiển cuộc gặp mặt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay mở đầu cuộc gặp. Ảnh: STRAITS TIMES
"Cái bắt tay của họ có vẻ như là của những người ngang hàng nhau. Ông Trump coi bộ hiểu rất rõ rằng ông cần chiếm ưu thế và được mọi người nhận thấy ông là người chỉ huy".
Trước đó, trong lúc họ tản bộ về phía phòng họp tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa, hầu như chỉ ông Trump nói, còn ông Kim lắng nghe chăm chú và 3 lần quay sang nhìn Tổng thống Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đã vỗ nhẹ vào cánh tay Tổng thống Mỹ, một cử chỉ biểu lộ ý muốn điều khiển cuộc gặp.
Còn Tổng thống Trump, hơn gấp đôi tuổi ông Kim, lúc đó có vẻ như dẫn đường đến thư viện, nơi họ tiến hành cuộc gặp riêng, và đặt bàn tay của ông vào lưng của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy nhiên, nữ chuyên gia Leong nhận thấy cả hai nhà lãnh đạo này đều khó có thể che giấu được sự hồi hộp khi họ ngồi xuống ghế của mình - ông Trump mỉm cười trong lúc 2 bàn tay xoa xoa vào nhau, còn ông Kim nghiêng người và nhìn chăm chăm xuống đất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiến về phía nhau. Ảnh: AP
Ngoài ra, các chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể đã phân tích nụ cười, cái bắt tay và cử chỉ vỗ vai của hai nhà lãnh đạo có thể có ý nghĩa gì đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nữ chuyên gia Lillian Glass (Mỹ) xác nhận căn cứ vào sự tương tác giữa hai nhà lãnh đạo, bà dự đoán hội nghị thượng đỉnh sẽ có kết quả tích cực.
Bà nhận xét rằng ông Trump giơ tay ra bắt trước dường như là cách làm cho ông Kim "cảm thấy thoải mái và được công nhận, như thể ông là chủ nhà hiếu khách vậy".
Tuy nhiên, một chuyên gia khác, bà Patti Wood cho rằng ông Trump có những động cơ ích kỷ hơn khi chủ động bắt tay.
"Ông ấy thích là người khởi xướng, điều đó thể hiện quyền lực và sức mạnh. Ông ấy đã cho thấy nhiều năng lượng trong cái bắt tay đó" - bà Wood khẳng định.
Tổng thống Trump thường xuyên chạm nhẹ bàn tay vào cánh tay nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Bà Wood cũng nhận xét rằng bằng cách chạm nhẹ vào cánh tay ông Kim trong cái gọi là "bắt tay của chính khách", ông Trump đã chuyển tải mong muốn biểu lộ sự thống trị. Sau đó, ông Trump tiếp tục chạm nhẹ vào ông Kim trong suốt thời gian tương tác, một điều bình thường ở Mỹ nhưng đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên thì không phải như vậy.
"Điều đó không thích hợp trong văn hóa châu Á. Có người có thể bảo điều đó thể hiện sự thân thiết nhưng cái vỗ nhẹ đó xảy ra nhanh, thể hiện quyền lực. Ông ấy thực hiện các cử chỉ ông biết ở một mức độ nào đó không phải là chuẩn mực hoặc không thích hợp về ngoại giao nhưng thể hiện sự thống trị" - bà nhận định.
Còn bà Glass cho rằng ông Trump chạm vào cánh tay ông Kim cho thấy rằng Tổng thống Mỹ "rất niềm nở" và "rất trìu mến".
Ngoài ra, bà Glass chú ý đến chi tiết ông Kim đặt bàn tay lên cánh tay của ông Trump, lặp lại cử chỉ của Tổng thống Mỹ. Theo bà, khi người ta lặp lại cử chỉ của một người khác, điều đó có nghĩa là họ thích người đó và họ đang liên kết với người đó.
Nụ cười của ông Kim cũng được các chuyên gia phân tích. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, bà Wood chú ý đến nụ cười của ông Kim: "Một số người nhìn thấy ông Kim cười thì nghĩ rằng ông ta vui vẻ vì sự kiện đó nhưng đó chỉ là điều bình thường. Người ta gọi đó là nụ cười che đậy. Nó cho thấy ông ta tỏ ra khôn khéo mà thôi".
Theo chuyên gia Darren Stanton, trong khi Tổng thống Trump tỏ ra uy nghi và nghiêm túc, nhà lãnh đạo Kim cho thấy sự thoải mái khác thường và cười nhiều. Điều đó chứng tỏ ông Trump có thể muốn nói với cả thế giới rằng "Tôi đến đây để giành chiến thắng".
Bà nhận xét khi họ ngồi xuống nói chuyện, ông Trump mở rộng chân, còn tay đặt theo hình tháp ngược, động tác chuẩn mực thường thấy của Tổng thống Trump khi ông muốn nói "Tôi quyền lực hơn anh".
Cách ngồi khác nhau của hai nhà lãnh đạo. Ảnh: AP
Ngay trong những khoảnh khắc đầu tiên gặp mặt, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đều tìm cách nắm thế chủ động
Bình luận (0)