Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9-7 bắt đầu chuyến công du châu Âu với sự kiện tâm điểm là Hội nghị Thượng đỉnh NATO diễn ra tại Lithuania. Sau khi khép lại chuyến thăm Anh hôm 10-7, ông Biden đến thủ đô Vilnius - Lithuania để hội đàm với lãnh đạo các nước thành viên khác của NATO trong 2 ngày 11 và 12-7.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục là nội dung thảo luận chính của hội nghị lần này. Theo AP, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào việc bảo đảm Ukraine có sự hậu thuẫn cần thiết chừng nào cuộc xung đột còn tiếp diễn, cũng như làm sao để đưa nước này đến gần NATO hơn ngay cả khi chưa bật đèn xanh cho việc chính thức gia nhập. Họ cũng bàn về những biện pháp bảo vệ Ukraine sau khi cuộc xung đột kết thúc.
An ninh được tăng cường gần địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại thủ đô Vilnius - Lithuania hôm 10-7Ảnh: Reuters
Phát biểu trước thềm sự kiện nói trên, theo Reuters, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rõ Ukraine sẽ không trở thành thành viên liên minh này trong lúc xung đột tiếp diễn và hội nghị sẽ không đưa ra lời mời chính thức cho Kiev về việc gia nhập.
Dù vậy, nội bộ NATO vẫn chia rẽ về tiến trình kết nạp Ukraine sau khi xung đột chấm dứt. Một số nước Đông Âu cho rằng nên đưa ra lộ trình cụ thể cho Ukraine tại hội nghị ở Vilnius. Tuy nhiên, Mỹ và Đức hiện lo ngại về những động thái có thể đẩy NATO đến gần hơn chiến tranh với Nga.
Trong khi đó, vấn đề chi tiêu quốc phòng dù không mới nhưng ngày càng cấp bách do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Mỹ lâu nay thường phàn nàn các đồng minh không chi tiêu đủ cho ngân sách quốc phòng.
Giờ đây, chi phí hỗ trợ Ukraine khiến chuyện tiền bạc càng được chú ý tại hội nghị. Hồi năm 2014, NATO nhất trí về mục tiêu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP trong vòng 10 năm. Dữ liệu mới nhất của NATO cho thấy 11 trong số 31 thành viên của liên minh quân sự này dự kiến đáp ứng mục tiêu này trong năm nay.
Tại hội nghị, các thành viên dự kiến đưa ra cam kết tham vọng hơn khi xem mức 2% GDP là yêu cầu tối thiểu, thay vì mục tiêu hướng đến. Dù vậy, hiện chưa có thông tin về thời gian biểu để đạt được mục tiêu mới nói trên.
Ngoài ngân sách quốc phòng, các nhà lãnh đạo NATO sẽ thảo luận những kế hoạch phòng thủ mới để phù hợp với bối cảnh địa chiến lược hiện nay. Đáng chú ý, NATO muốn tối đa 300.000 binh sĩ sẵn sàng được triển khai đến sườn phía Đông trong vòng 30 ngày.
Cũng tại hội nghị, chuyện Thụy Điển muốn gia nhập NATO cũng được quan tâm nhiều sau khi vẫn còn rào cản từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hầu hết thành viên và ông Stoltenberg đều cho rằng Thụy Điển đã làm đủ để gia nhập liên minh.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn giữ lập trường phản đối, xuất phát từ sự ủng hộ của Thụy Điển dành cho các nhóm người Kurd bị Ankara xem là khủng bố. Trong nỗ lực gia nhập NATO, Thụy Điển đã điều chỉnh chính sách để đáp ứng đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng điều này chưa thuyết phục được ông Erdogan đổi ý.
Bài toán mở rộng sang châu Á
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 10-7 lên đường tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO nhằm tìm kiếm sự hợp tác an ninh quốc tế mạnh mẽ hơn. Ông Yoon sẽ tham dự hội nghị tại Lithuania cùng với lãnh đạo một số nước đối tác khác của NATO, trong đó có Nhật Bản, Úc và New Zealand.
Tại hội nghị, theo Reuters, Tổng thống Hàn Quốc sẽ đưa ra thông điệp mạnh mẽ hơn nhằm vào Triều Tiên, đồng thời tăng cường hợp tác về an ninh, chuỗi cung ứng... Ông Yoon dự kiến thông qua một văn kiện với NATO về tăng cường hợp tác song phương trong 11 lĩnh vực, trong đó có không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh mạng.
Theo trang Bloomberg, các đồng minh NATO đang thảo luận về một tuyên bố chung tiềm năng với 4 nước nói trên. Nội dung văn kiện này kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các bên cũng như khẳng định an ninh của châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương liên kết với nhau.
Dù vậy, nội bộ NATO đang có ý kiến cho rằng liên minh này chỉ nên tập trung vào khu vực trách nhiệm của mình, thay vì mở rộng hiện diện sang những khu vực khác.
NATO vào năm ngoái lần đầu tiên công khai gọi Trung Quốc là "thách thức mang tính hệ thống". Đến tháng 5 qua, đã xuất hiện thông tin NATO có kế hoạch mở văn phòng đầu tiên ở châu Á, dẫn đến phản ứng mạnh của Bắc Kinh.
Anh Thư
Bình luận (0)