Thượng nghị sĩ John McCain qua đời ở tuổi 81. Ảnh: Reuters
Theo tuyên bố từ văn phòng của vị thượng nghị sỹ, ông McCain qua đời hôm 25-8, theo giờ địa phương, trong vòng tay gia đình.
Tuyên bố nêu rõ: "Thượng nghị sĩ John Sidney McCain III qua đời lúc 16 giờ 28 ngày 25-8-2018. Ở bên bị thượng nghị sĩ lúc ông ra đi là bà Cindy – vợ của ông, cùng gia đình. Tới cuối đời, ông đã phục vụ nước Mỹ trung thành suốt 60 năm".
Vợ của McCain, bà Cindy viết trên Twitter: "Trái tim tôi tan vỡ. Tôi quá may mắn khi được sống với hành trình yêu người đàn ông tuyệt vời này suốt 38 năm. Ông rời đi giống như cách ông vẫn sống: bằng lựa chọn của mình, ở nơi mà ông yêu nhất và xung quanh là những người yêu thương".
Vị thượng nghị sỹ 6 nhiệm kỳ từ bang Arizona đã chiến đấu với bệnh ung thư não từ tháng 7-2017 và vắng mặt ở Washington từ tháng 12-2017 nhưng vẫn đưa ra tiếng nói của mình trong nhiều vấn đề quan trọng cho tới hơi thở cuối cùng, thẳng thắn chỉ trích Tổng thống Donald Trump và hối thúc bảo vệ trật tự tự do, dân chủ hậu chiến tranh.
Tới hôm 24-8, gia đình thông báo ông McCain đã quyết định ngừng chữa trị.
Ông John McCain cùng các đồng nghiệp trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, trong một cuộc họp báo tại TP HCM nhân chuyến thăm Việt Nam năm 2015. Ảnh: Hoàng Triều
Theo The South China Morning Post, ông McCain qua đời sẽ để lại khoảng trống lớn trong đảng Cộng hòa vốn đang ngày càng quay lưng với hợp tác lưỡng đảng trong nước và cam kết nước ngoài nhằm ủng hộ quan điểm chia rẽ và cô lập của Tổng thống Trump.
Hồi tháng 7, ông McCain đã đưa ra tuyên bố chỉ trích thẳng thừng cuộc gặp thượng đỉnh của Tổng thống Trump với người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Helsinki, gọi cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo là "một trong những màn trình diễn hổ thẹn nhất của một tổng thống Mỹ".
Theo Reuters, một số nguồn tin gần gũi với ông McCain nói rằng Tổng thống Trump không được mời tới đám tang của ông.
Ngay sau khi thông báo ông McCain qua đời được đưa ra, ông Trump viết trên Twitter: "Tôi dành sự tiếc thương sâu sắc nhất và kính trọng cho gia đình Thượng nghị sĩ John McCain".
Ông McCain trở thành nhân vật trung tâm trong một trong những khoảnh khắc kịch tính nhất của mình tại Quốc hội Mỹ trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump khi ông quay lại Washington ngay sau khi nhận chẩn đoán ung thư não, tại cuộc bỏ phiếu nửa đêm tại Thượng viện vào tháng 7-2017.
Vết sẹo phẫu thuật còn chưa lành, vị nghị sĩ McCain giơ ngón tay cái chĩa xuống, ra dấu hiệu ông bỏ phiếu chống với dự luật xóa bỏ đạo luật y tế Obamacare của phe Cộng hòa – một hành động khiến Tổng thống Trump không khỏi giận dữ.
Ông John McCain từng tham chiến và bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Reuters
Ông McCain từng chạy đua với ông Barack Obama trong cuôc bầu cử năm 2008. Ảnh: Reuters
Cựu tổng thống Barack Obama, đối thủ của ông McCain trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2008, hôm 25-8 đã mở lời chia buồn. Trong tuyên bố của mình, ông Obama nói rằng dù ông và McCain có "sự khác nhau hoàn toàn về gốc gác" và góc nhìn chính trị, cả hai cùng "trung thành với điều gì đó cao hơn - những lý tưởng mà người Mỹ và rất nhiều người nhập cư đã chiến đấu, tuần hành và hy sinh vì nó".
"Rất ít người trong chúng ta bị thử thách theo cái cách mà ông John (McCain) từng trải qua hoặc phải thể hiện sự can đảm mà ông ấy đã thể hiện"- ông Obama nhấn mạnh, "Nhưng tất cả chúng ta có thể khát khao tới sự can đảm đó để đạt tới sự tốt đẹp to lớn hơn chính bản thân mình. Với tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình, ông ấy đã thể hiện được điều đó. Và bởi vậy, chúng ta đều mắc nợ ông".
Thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ
Sinh năm 1936 trong một gia đình có cha và ông nội đều là đô đốc hải quân 4 sao, ông John McCain từng tham chiến và bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam. Sau chiến tranh, ông dành nhiều tâm huyết trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Ông cũng từng hai lần ra tranh cử chạy đua vào Nhà Trắng vào các năm 2000 và 2008 nhưng không thành công.
Bình luận (0)