SDSN đã thực hiện một bản báo cáo, lấy Chỉ số Hạnh phúc Thế giới (WHI) làm thước đo xếp hạng. Theo đó, Thụy Sĩ dẫn đầu về chỉ số này, tiếp theo là các nước Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Canada, Phần Lan, Hà Lan, Thụy Điển, New Zealand và Úc.
Đứng cuối bảng xếp hạng hạnh phúc, tức những nước bất hạnh nhất thế giới, là những cái tên như Togo, Burundi, Benin, Rwanda và đáng chú ý là Syria – đất nước đang chìm trong cuộc nội chiến máu lửa. Ngoại trừ nước này và Afghanistan, 10 quốc gia bất hạnh đều nằm trong hoặc phía Nam sa mạc Sahara, bị ảnh hưởng bởi đói nghèo và bạo lực.
Mỹ chỉ xếp thứ 15, sau Mexico (14) nhưng trước Brazil (16), Anh (21), Nhật Bản (46), Nga (64), Trung Quốc (84) và Iran (110). Riêng Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75 trong danh sách, hầu như không thay đổi so với giai đoạn năm 2005-2007.
Ở một số khu vực như Bắc Mỹ, Úc - New Zealand, Nam Á và Đông Á, phụ nữ có xu hướng hạnh phúc hơn đàn ông. Tuy nhiên, xu hướng này đảo ngược ở Đông Âu, các vùng thuộc Liên Xô cũ, lục địa châu Phi phía Nam sa mạc Sahara. Đối với cả nam giới và phụ nữ, hạnh phúc giảm từ độ tuổi thiếu niên cho đến 40 hoặc 50, sau đó ổn định.
Hà Lan xếp hạng 7. Ảnh: Telegraph
SDSN tiến hành khảo sát 158 quốc gia, bao gồm cả chính sách của các chính phủ cộng thêm dữ liệu của Tổ chức điều tra thế giới Gallup World Poll. Hàng loạt yếu tố như bình quân GDP trên đầu người, tuổi thọ, mức độ tham nhũng và tự do xã hội được đặt làm tiêu chí đánh giá.
Báo cáo cho biết: “Hạnh phúc ngày càng được coi là một biện pháp thích hợp để xác định tiến bộ xã hội và mục tiêu của chính sách công. Rất nhiều quốc gia sử dụng dữ liệu về hạnh phúc để nghiên cứu, tìm ra các phương pháp giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Báo cáo cho biết thêm kết cấu xã hội đóng vai trò quan trọng đối với chỉ số hạnh phúc. Chẳng hạn Iceland bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhưng vẫn xếp thứ 2, trong khi Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp tụt hạng vì thiếu sự gắn kết để giải quyết vấn đề tài chính của mình.
WHI được Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề xuất thực hiện trong năm 2012, tiếp tục khảo sát năm 2013 và 2015. Do không phải báo cáo thường niên nên năm 2014 vắng mặt chỉ số này. Giám đốc SDSN Jeffrey Sachs cho biết ông hy vọng LHQ sẽ sử dụng báo cáo để thiết lập mục tiêu phát triển bền vững trong 15 năm tiếp theo.
Bình luận (0)