Mấy ngày vừa qua, cư dân mạng ở Việt Nam rất quan tâm đến chuyến du lịch đón Giáng sinh, năm mới của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới - Facebook, cùng bạn gái tại Việt Nam. Người ta thắc mắc vì lẽ gì nhà tỉ phú thế hệ 8X lại chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch. Nhiều người lý giải rằng Mark là người luôn có tham vọng biến Facebook thành mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, muốn nhân dịp này nghiên cứu và tìm hiểu thị trường Việt Nam. Trong khi đó, Huỳnh Kim Tước, người đại diện của Facebook tại Việt Nam, lại cho biết chuyến đi chỉ vì mục đích du lịch cá nhân.
12 tuổi đã viết được phần mềm
Mark Zuckerberg sau đó học tại Trường Trung học Phillip Exeter, bang New Hampshire. Tại đây, Mark thể hiện tài năng trong thể thao ở môn đánh kiếm và văn học, thậm chí đạt được chứng chỉ môn văn học cổ điển. Nhưng Mark vẫn luôn hứng thú với máy tính, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê này và liên tục phát triển phần mềm. Trong khi còn đang học tại trường này, Mark viết một phần mềm chơi nhạc gọi là Synapse. Nhiều công ty lớn bao gồm AOL và Microsoft đã tỏ ý quan tâm, muốn mua lại phần mềm và mời Mark về làm việc nhưng Mark từ chối tất cả.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Mark Zuckerberg vào học đại học tại Harvard. Chỉ mới năm thứ nhất, Mark đã trở nên nổi tiếng là một sinh viên rất giỏi máy tính. Anh viết phần mềm CourseMatch để giúp các sinh viên chọn lớp học dựa theo sự lựa chọn khóa học của các sinh viên khác. Mark cũng đã viết phần mềm Facemash, cho phép các sinh viên bầu chọn ai quyến rũ hơn bằng cách so sánh các hình chụp. Phần mềm Facemash rất được sinh viên ưa chuộng nhưng bị nhà trường ngăn lại không lâu sau đó vì “không được nghiêm túc”. Dựa trên thành công của Facemash, Zuckerberg cùng vài người bạn rủ nhau tạo nên một website cung cấp dịch vụ hẹn hò cho các sinh viên của Harvard, gọi là Harvard Connection. Nhưng sau đó Mark rời dự án này để phát triển một mạng xã hội khác cùng với Dustin Moskovitz, Chris Hughes và Eduardo Saverin.
Tháng 6-2004, nhóm của Mark mở cửa trang web mạng xã hội của mình, đặt tên là Facebook. Trang web được quản lý tại phòng ký túc xá của nhóm sinh viên. Từ đây, mạng xã hội Facebook trở thành một trong những thành quả quan trọng nhất và cũng là thành công nhất trong kỷ nguyên dịch vụ cộng đồng trên mạng internet.
Mark Zuckerberg bỏ dở việc học tại Trường Harvard, tập trung phát triển cho Facebook. Công ty dời trụ sở đến Palo Alto, California. Đến cuối năm 2004, Facebook đã có đến 1 triệu người sử dụng.
Kỷ nguyên của Facebook
Ban đầu, Facebook (tên nguyên gốc là The Facebook) là mạng xã hội chỉ dành riêng cho giới sinh viên. Bắt đầu từ các trường nằm trong hệ thống Ivy League (bao gồm Harvard) , Facebook dần dần mở cửa cho các trường đại học khác trên toàn nước Mỹ. Người dùng chỉ có thể đăng ký với email và ID nhận dạng liên hệ với trường hoặc công ty được cho phép. Với sự góp vốn trị giá 500.000 USD từ Peter Theil, đồng sáng lập hãng dịch vụ chi trả qua mạng Paypal, 12,7 triệu USD của hãng đầu tư Accel Partners và 25 triệu USD từ hãng Greylock Partners, Facebook nhanh chóng nâng tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng mạng. Đến cuối năm 2005, số lượng người dùng Facebook đã tăng lên đến 5,5 triệu và hàng loạt công ty gạ gẫm hợp đồng quảng cáo độc quyền. Mark từ chối tất cả lời đề nghị, kể cả Yahoo! và MTV. Anh tập trung vào việc phát triển Facebook, thêm nhiều tính năng và mở cửa cho các nhà đầu tư bên ngoài tham gia.
Tạp chí Times của Mỹ trao cho Mark Zuckerberg danh hiệu “Nhân vật của năm 2010”. Tạp chí Vanity Fair đưa Mark vào hàng ngũ những người thành đạt nhất trên thế giới, trên cả những tên tuổi như Steve Jobs. Forbes đánh giá giá trị tài sản hiện có của Mark Zuckerberg lên đến 6,9 tỉ USD - khi mà Facebook vẫn chưa lên sàn chứng khoán. Nếu Facebook lên sàn chứng khoán, giá trị tài sản của Mark tăng lên gấp 2-3 lần, khi đó Mark Zuckerberg sẽ trở thành một trong những người giàu nhất thế giới và cũng là một trong những tỉ phú trẻ nhất. |
Kỳ tới: Con đường gập ghềnh
Bình luận (0)