Nhưng tiếng ồn đang trở thành một hiểm họa thật sự Có bao giờ bạn tưởng tượng tiếng ồn là nguyên cớ khiến người ta giết nhau? Chuyện không thể ngờ này đã thật sự xảy ra Trong nhiều tháng ròng, ông cụ Lambrinos Lykouresis 78 tuổi ở đảo Zakynthos (Hy Lạp) đã nhắc nhở nhà hàng xóm nên điều chỉnh âm lượng vừa phải để cụ nghe bản tin buổi chiều. Thế nhưng, gã thanh niên hàng xóm vẫn chứng nào tật đấy. Thế rồi cụ Lykouresis phừng phừng nổi giận, vớ khẩu súng trường treo trên tường và chạy sang nhà hàng xóm. Khi bà Imberia Boziki 40 tuổi vừa mở cửa, Lykouresis lập tức bắn 3 phát giết chết bà Boziki và làm bị thương đứa con trai 24 tuổi - kẻ đã tra tấn cụ Lykouresis bằng những bài nhạc rock vặn to hết cỡ trong nhiều tháng qua. Hai năm qua, cụ Lykouresis đã nghe được bản tin buổi chiều, trong không khí tĩnh lặng như từng được ao ước, tại phòng giam của nhà tù an ninh bậc nhất Hy Lạp Ioannina...
Stress và điếc.
- Bản báo cáo của Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế châu Âu cho biết Hy Lạp là nơi phát ra tiếng ồn kinh khủng nhất châu Âu. Chỉ riêng tại Athens, 60% trong 5 triệu cư dân ở đây đang trở thành nạn nhân của tiếng ồn trên 75 decibel (dB) - âm lượng gấp đôi ngưỡng có thể sinh ra sự điên loạn và căng thẳng thần kinh cực độ. Ở nhiều nơi khác tại châu Âu, tình trạng ồn quá mức đang trở thành thủ phạm chính tạo nên stress.
Bản báo cáo của báo Môi trường châu Âu cho biết hiện có đến 450 triệu người (65% dân số châu Âu) đang chịu hằng ngày vô số loại tiếng ồn vượt quá 55 dB - âm lượng đủ cao để biến người ta rơi vào trạng thái mất ngủ, cáu gắt và thậm chí kích động. Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho rằng hiện có chừng 113 triệu người châu Âu thường xuyên bị tấn công bởi tiếng ồn hơn 65 dB và 10 triệu người khác bị trấn áp bởi tiếng ồn trên 75 dB. Chính tiếng ồn chứ không phải tác nhân nào khác đã làm tăng nhanh chóng số bệnh nhân mắc phải stress và bệnh điếc.
Tiếng ồn – cũng thường được gọi bằng cái tên khác: “sự ô nhiễm âm thanh” - là sản phẩm của thời hiện đại và chỉ tồn tại nơi đô thị. Hệ thống loa và ampli tối tân, máy bay, xe lửa và xe hơi đều được sử dụng chủ yếu ở thành thị. Cơ quan Môi trường Liên bang Đức cho biết 70% cư dân ở nước này thường xuyên than phiền về chuyện tiếng ồn xe cộ. Tại Hà Lan, hơn một triệu cư dân sống quanh khu vực sân bay Schiphol đã mất ăn mất ngủ chỉ vì tiếng máy bay ầm ầm ngày cũng như đêm. Tại Anh cũng tương tự. Nhiều gia đình gần các sân bay đã buộc phải bán nhà dọn đi nơi khác vì không còn sức để chống lại tiếng ồn.
Các chiến dịch kêu gọi giảm thiểu tiếng ồn nói chung đã thường xuyên được tổ chức ở Anh. Tuy nhiên, những đơn kiện cáo liên quan đến tiếng ồn ít khi được giải quyết hoặc giải quyết quá chậm, khi nạn nhân đã trở nên bị điếc và không còn nghe nổi tiếng nói nhỏ nhẹ của quan tòa. Từ ngày 7-1-1998, dân Anh bắt đầu tổ chức Ngày nhận thức tiếng ồn (Noise Awareness Day). Họ dùng xe lăn nghiền nát các máy cassette và loa. Nhiều người đã thật sự đưa tiếng ồn ra mặt trận công kích vì bản thân từng là nạn nhân của tiếng ồn. Valerie Gibson 47 tuổi là một ví dụ. Bà đã thành lập tổ chức Noise Network để tung ra các chiến dịch kêu gọi giảm thiểu tiếng ồn trong cuộc sống.
Có tiền mới đỡ khổ.
- Trong số các nước công nghiệp, riêng Mỹ đã giải quyết khá hiệu quả chuyện tiếng ồn ngoài xa lộ. Họ xây đường xá ngay dưới lòng đô thị, vừa giảm thiểu tiếng ồn vừa tạo nhiều không gian trống hơn trên mặt đất để xây công viên và trồng cây xanh. Ngoài ra, người Mỹ còn kêu gọi các tài xế giảm tốc độ. Tốc độ càng thấp thì tiếng ồn càng bớt. Tổ chức phi lợi nhuận Noise Polution Clearinghouse (Mỹ) khẳng định rằng khi vận tốc giảm từ 65 km/giờ xuống 48 km/giờ thì âm lượng ồn giảm hẳn xuống, nghe như chỉ có phân nửa lượng xe cộ đang chạy so với số thực tế.
Tuy nhiên, không phải nước nào cũng thừa tiền để giải quyết chuyện tiếng ồn. Hà Lan chẳng hạn, 10 năm qua đã chứng kiến nhiều cuộc thảo luận về kế sách giải quyết tiếng ồn tại khu vực sân bay Schiphol nhưng vẫn chưa tới đâu. Người ta tính xây thêm một tuyến đường thứ năm từ sân bay đi vào thành phố để giảm mật độ xe cộ. Các ý kiến phản bác cho rằng sân bay lớn thứ tư châu Âu này chỉ cách Amsterdam có 16 km, việc gì phải xây thêm xa lộ cho tốn kém vô ích. Những người ủng hộ cho rằng việc xây thêm tuyến đường mới góp phần làm sáng sủa bộ mặt xứ hoa tulip khi khách du lịch đến đây, hơn nữa, cư dân bớt than phiền về tình trạng tiếng ồn. Và 10 năm nay, người ta tiếp tục tranh luận như vậy, xoay quanh hai ý kiến đó. Cứ mỗi 90 giây, lại có một chiếc máy bay cất cánh hay hạ cánh ở Shiphol và âm lượng đo được tại bất kỳ ban công ở nhà nào quanh khu vực này là 100 dB!
Công nghệ chống ồn Phương tiện kỹ thuật hiện đại gây ra tiếng ồn và người ta cũng dùng chính kỹ thuật hiện đại để chống lại tiếng ồn. Tại thị trấn nhỏ Pegnitz gần Nuremberg (Đức), ông chủ khách sạn Andreas Pflaum đã tạo ra một ốc đảo âm thanh thiên nhiên nơi du khách có thể tận hưởng một không khí hoàn toàn không có chút “tiếng ồn thời đại” nào. Để khu vườn nhỏ 200 m2 trong khách sạn Post của mình không bị tạp âm xen vào tuy nằm sát tuyến xa lộ nhộn nhịp ngày đêm, Pflaum đã đặt hàng loạt micro định hướng để ghi nhận tiếng loại xe nào đang đến gần. Thông tin micro nhận được sẽ chuyển qua một máy vi tính để máy vi tính điều chỉnh âm lượng của các chiếc loa đang phát ra nhạc cổ điển. Chính dãy loa này đã tạo ra một “bức tường âm thanh” ngăn cản tiếng ồn từ bên ngoài. Paris là một trong những nơi có nhiều chó nhất. Tính hay sủa hùa của chó là chuyện không thể xem thường vì thật khó có thể chịu nổi nếu nghe tiếng sủa của 100 con chó rống lên cùng một lúc. Hãng Dynavet vừa tung ra vòng đeo cổ AboiStop có thể phát ra mùi dầu sả hay mù tạt bất cứ khi nào nó “nghe” tiếng chó sủa. Cứ mỗi lần sủa, chó lại ngửi thứ mùi khó chịu này và hiệu ứng Pavlov buộc chó phải “cân nhắc” khi muốn sủa. Vòng đeo cổ Bark Control của hãng Eurosos Systèmes lại phát ra âm thanh cao tần mà chó cũng cảm nhận được. Thứ âm thanh này làm chó nhức đầu và hết sủa. |
Bình luận (0)