Báo cáo chỉ ra rằng chỉ tính riêng trong năm 2023 chính phủ Ukraine cần 14 tỉ USD cho các khoản đầu tư tái thiết quan trọng và cần được ưu tiên nhất. Đây là khoản tài trợ bên ngoài, bổ sung cho số tiền đã được phân bổ trong ngân sách hàng năm của Ukraine.
"Cơ sở hạ tầng năng lượng, nhà ở, cơ sở hạ tầng quan trọng, nền kinh tế và rà phá bom mìn nhân đạo là 5 ưu tiên của chúng tôi trong năm nay" - đài RT (Nga) dẫn lời Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal hôm 23-3 cho biết.
Một tòa nhà bị hư hỏng nặng và những chiếc ô tô bị phá hủy được chụp ở vùng ngoại ô Saltovka, Kharkov, Ukraine vào ngày 11-3- 2023. Ảnh: Anadolu Agency
So với đánh giá được đưa ra hồi tháng 9-2022, báo cáo trên cho thấy chi phí để xây dựng lại và khôi phục Ukraine sau xung đột với Nga đã tăng thêm 60 tỉ USD. Chi phí ước tính nhằm tái thiết Ukraine trước đó là 349 tỉ USD.
Các số liệu dường như chỉ ra rằng phần lớn thiệt hại đối với Ukraine ở trong khoảng 6 tháng đầu của cuộc xung đột đang diễn ra với Nga, bắt đầu vào cuối tháng 2-2022.
Báo cáo mới nhất cũng lưu ý rằng các số liệu trên chỉ "được coi là mức tối thiểu vì sẽ tiếp tục tăng chừng nào xung đột còn tiếp diễn".
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách châu Âu và Trung Á Anna Bjerde nhận định quá trình tái thiết Ukraine sẽ "mất vài năm" nhưng không đưa ra ước tính về thời điểm bắt đầu.
Vị quan chức này cho rằng các khoản đầu tư công ở Ukraine nên được "bổ sung bằng khoản đầu tư tư nhân đáng kể để tăng nguồn lực tài chính sẵn có cho việc tái thiết".
Theo Thủ tướng Denis Shmygal, các thiệt hại và nhu cầu phục hồi không bao gồm thiệt hại cơ sở hạ tầng, nhà ở và cơ sở kinh doanh tại các vùng lãnh thổ mà Nga đã đơn phương tuyên bố sáp nhập như Kherson, Zaporozhye, Donetsk, Lugansk và bán đảo Crimea.
Hiện chưa rõ bên nào sẽ là người thanh toán các khoản hoá đơn cho việc tái thiết Ukraine sau xung đột với Nga. Tuy nhiên, trước đó các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về một số phương án sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.
Bình luận (0)