Theo quan chức này, các chuyên gia phân tích tình báo Mỹ cho rằng có thể đã xảy ra một vụ nổ trên máy bay (bồn chứa nhiên liệu hoặc bom) nhưng không có dấu hiệu cho thấy chiếc Airbus A321 bị tên lửa đất-đối-không bắn hạ.
Vệ tinh hồng ngoại của Mỹ ghi nhận được luồng nhiệt trên bán đảo Sinai – Ai Cập và một quan chức quốc phòng khác của Washington khẳng định máy bay bị “vỡ tan ở độ cao rất cao”, nguyên nhân do phát nổ chứ không tìm thấy dấu hiệu bị tên lửa tác động - bởi vệ tinh không ghi nhận dấu vết nhiệt từ bất cứ tên lửa nào phóng ở mặt đất lên.
Một mảnh vỡ của chiếc Airbus A321 tại hiện trường. Ảnh: NBC News
Trong khi đó, đài CNN đưa tin các dữ liệu vẫn đang được phân tích để xác định luồng nhiệt bắt nguồn từ trên không hay trên mặt đất. Các nhà phân tích liệt kê hàng loạt nguyên nhân có thể tạo nên luồng nhiệt này: do tên lửa bắn trúng, nổ bom, nổ động cơ, hỏa hoạn trên máy bay hoặc mảnh vỡ máy bay va chạm mặt đất làm bùng lên ngọn lửa.
Chuyên gia phân tích hàng không Miles O'Brien nói với đài CNN: “Số luồng nhiệt rất quan trọng. Nếu chỉ có 1 luồng, giả thuyết máy bay bị trúng tên lửa sẽ bị loại bỏ; thay vào đó là đã xảy ra một vụ nổ”.
Trường hợp máy bay bị đặt bom, có thể quả bom (điều khiển bằng kích hoạt khí áp) đã được tuồn vào khoang chứa hàng của chiếc Airbus A321 khi nó đậu tại sân bay Sharm el-Sheik – Ai Cập để xếp hàng hóa, theo trang Sputnik.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper hôm 2-11 thông báo “không có bằng chứng trực tiếp của một vụ khủng bố” nhưng cũng không loại trừ hoàn toàn điều này. Trước đó, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận trách nhiệm vụ máy bay rơi. Chúng tuyên bố đây là hành động trả thù Nga vì không kích giúp chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các quan chức Ai Cập cho hay việc phân tích hộp đen có thể tiến hành trong ngày 3-11. Một ngày trước, giới chức Nga lần đầu tiên xác nhận chiếc Airbus A321 “bị vỡ tan trong không trung”. Khi được hỏi liệu đây có phải cuộc tấn công liên quan đến thiết bị nổ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết tình huống nào cũng có thể xảy ra.
Hộp đen của chiếc máy bay Nga gặp nạn. Ảnh: Bộ Hàng không dân dụng Ai Cập
Alexander Smirnov, một quan chức của Metrojet, tuyên bố hãng này đã loại trừ các vấn đề kỹ thuật và lỗi của con người. “Hệ thống bảo vệ trên máy bay sẽ ngăn không cho nó bị rơi, thậm chí nếu thiết bị điều khiển của phi công gặp vấn đề” – ông nói tại Moscow.
Giám đốc Cơ quan Giao thông vận tải Nga Alexander Neradko yêu cầu mọi người không đưa ra các “giả thuyết mơ hồ” trước khi có kết luận điều tra chính thức.
Chiếc Airbus A321 mang số hiệu 9268 của hãng hàng không Kogalymavia (Metrojet – Nga) chở 224 hành khách và thành viên phi hành đoàn bị rơi hôm 31-10 tại bán đảo Sinai - Ai Cập, giết chết toàn bộ người trên khoang. Các mảnh vỡ máy bay trải dài trên diện tích gần 8 km vuông.
Bình luận (0)