Gây nhạc nhiên như khi để xảy ra giao tranh, Armenia và Azerbaijan hôm 14-9 bất ngờ thỏa thuận ngừng chiến sự ở khu vực biên giới sau 2 ngày đụng độ. Theo phát ngôn công khai của cả hai bên, Armenia dường như bị tổn hại lớn hơn so với Azerbaijan.
Lần xung đột biên giới này giữa Azerbaijan và Armenia được bên ngoài đặc biệt chú ý đến bởi nó không diễn ra ở vùng lãnh thổ Nagorno Karabach mà hai bên tranh chấp chủ quyền lâu nay và năm 2020 thậm chí còn bùng phát chiến tranh thực thụ giữa hai bên ở nơi đó.
Bối cảnh chính trị an ninh hiện tại ở châu Âu cũng rất đặc biệt khi chiến sự dai dẳng từ hơn 200 ngày nay ở Ukraine giữa Nga và Ukraine, châu Âu ở trong cuộc khủng hoảng chính trị an ninh nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, giữa Nga với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), NATO và đồng minh hiện có cuộc đối đầu không khoan nhượng.
Nói theo cách khác, châu Âu ở trong tình trạng rất nhạy cảm về chính trị an ninh và rất dễ bùng nổ về xung đột quân sự, đụng độ bạo lực ở nhiều nơi.
Tình trạng và bối cảnh ấy trên châu lục tác động theo hai chiều tới cuộc xung đột biên giới giữa Azerbaijan và Armenia.
Một mặt, cuộc chiến ở Ukraine và đối địch giữa Nga với Mỹ, EU, NATO và các đồng minh lấn át mọi diễn biến khác về chính trị an ninh trên châu lục, làm cho mối bất hòa lâu nay giữa Azerbaijan và Armenia trở thành chuyện nhỏ, ít được quan tâm đến, ít được lường trước hậu quả, tác động và hệ lụy.
Mặt khác, các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp tới cuộc chiến ở Ukraine đều có thể tận dụng xung đột vũ trang ở các nơi khác trên châu lục để thực hiện mục tiêu và đạt được lợi ích riêng.
Nhà cửa hư hại tại thị trấn Jermuk (Armenia) hôm 15-9 theo sau vụ xung đột biên giới với Azerbaijan Ảnh: Reuters
Đương nhiên là Armenia và Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau gây chuyện trước. Dù trách nhiệm trước hết thuộc về bên nào thì điều có thể thấy được từ lần đụng độ biên giới này là giữa hai nước không chỉ đơn thuần có chuyện tranh chấp chủ quyền đối với vùng Nagorno Karabach mà còn có thể xung khắc trên toàn tuyến biên giới chung.
Xung khắc biên giới nói chung và vấn đề Nagorno Karabach nói riêng, vì thế, không biết đến khi nào mới có thể được giải quyết. Cả hai phía đều chủ ý nuôi vấn đề để tạo thế và chờ thời cơ có được ưu thế nổi trội.
Cả Azerbaijan và Armenia đều có quan hệ hợp tác tốt đẹp với Nga. Armenia còn để cho Nga có căn cứ quân sự và triển khai binh lính trên lãnh thổ. Cả hai đều có trong tay nhiều con chủ bài sáng giá trong xử lý quan hệ của họ với Nga.
Rất có thể Azerbaijan gây chuyện vừa rồi để tận dụng việc Nga sa đà vào chiến sự ở Ukraine nên không thể tập trung hậu thuẫn được cho Armenia về chính trị cũng như quân sự. Nhưng cũng rất có thể Armenia gây chuyện lần này để vừa nhắc nhở Nga chớ có vì chiến sự ở Ukraine mà sao nhãng hậu thuẫn Armenia, lại vừa giúp Nga khi làm gia tăng mối lo ngại của EU và NATO về hiệu ứng lây lan xung đột bạo lực ở châu Âu dưới tác động của cuộc chiến ở Ukraine.
Dù bên nào gây chuyện thì cả hai vẫn phải tự kiềm chế vì chuyện giữa họ với nhau vừa có lợi vừa bất lợi cho Nga và phía Mỹ, EU, NATO ở châu Âu. Hai nước này đã nhanh chóng thỏa thuận ngừng bắn vì thế.
Mỹ, EU và NATO được lợi khi Nga thêm khó khăn và khó xử giữa Azerbaijan và Armenia. Nga được lợi khi khủng hoảng an ninh lan rộng ra khắp châu Âu. Cả hai phía đều bất lợi khi diễn biến tình hình giữa Azerbaijan và Armenia vượt ngoài tầm kiểm soát của họ như đám cháy nhỏ biến thành hỏa hoạn mà kịch bản này rất dễ xảy ra.
Xung đột Kyrgyzstan - Tajikistan leo thang
Xung đột tại biên giới Kyrgyzstan và Tajikistan đã leo thang hôm 16-9 và hai bên cáo buộc lẫn nhau về việc khơi mào cuộc chiến tại khu vực tranh chấp bất chấp thỏa thuận ngừng bắn.
Theo đài CNN, phía Kyrgyzstan cáo buộc lực lượng Tajikistan sử dụng xe tăng, xe bọc thép và súng cối tiến vào ít nhất một ngôi làng của Kyrgyzstan, đồng thời nã pháo vào sân bay ở thị trấn Batken và các khu vực lân cận. Trong khi đó, Tajikistan cho rằng lực lượng Kyrgyzstan pháo kích vào một tiền đồn và 7 ngôi làng bằng "vũ khí hạng nặng".
Bộ Y tế Kyrgyzstan cho biết nước này đã ghi nhận 24 người thiệt mạng và 87 người bị thương trong các vụ giao tranh mới nhất nhưng không nói rõ thương vong của quân đội. Tuy nhiên, hãng thông tấn Interfax (Nga) dẫn lời ông Kamchybek Tashiev, người đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia Kyrgyzstan, cho biết quân đội chịu tổn thất không nhỏ. Hơn 136.000 dân thường ở Kyrgyzstan đã được sơ tán khỏi khu vực xung đột.
Giao tranh leo thang bất chấp tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan trước đó cùng ngày, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov và người đồng cấp Tajikistan Emomali Rakhmon đã nhất trí hai bên ngừng bắn và rút quân.
Kyrgyzstan cho hay giao tranh xảy ra ở tỉnh Batken phía Nam, giáp với vùng Sughd phía Bắc của Tajikistan. Cả hai nước này cũng có đặt căn cứ quân sự của Nga. Vì thế, không gì lạ khi Moscow nhanh chóng thúc giục hai nước chấm dứt hành động thù địch.
Nhà phân tích về Trung Á Alexander Knyazev cho rằng cả Kyrgyzstan và Tajikistan đều không có thiện chí muốn giải quyết xung đột một cách hòa bình. Theo chuyên gia này, chỉ có lực lượng gìn giữ hòa bình của bên thứ 3 mới có thể ngăn chặn xung đột đi xa hơn bằng cách thiết lập một khu phi quân sự tại khu vực.
Xuân Mai
Bình luận (0)