Ông Kalifa Feika dứt áo khỏi quê nhà ở Sierra Leone tới miền Nam Trung Quốc 4 năm trước, quyết làm giàu ở đất nước được gọi là công xưởng của thế giới. "Người ta đi Mỹ du lịch nhưng để kiếm tiền, phải đến mảnh đất này" - doanh nhân 44 tuổi chia sẻ.
Ông lớn lên ở Kenema nhưng nay sinh sống tại một góc vẫn được biết tới với cái tên "Little Africa" (tạm dịch: tiểu châu Phi) ở Quảng Châu, thành phố lớn thứ ba Trung Quốc.
Trong ít nhất 20 năm qua, giới làm ăn và những người ôm giấc mộng Trung Quốc từ khắp châu Phi đã đổ tới khu vực quanh làng Đăng Phong - một trung tâm thương mại nội đô đầy rẫy các tụ điểm xả hàng của các nhà máy - để săn hàng Trung Quốc, từ thảm cầu nguyện tới máy làm bỏng ngô, thậm chí cả đồng phục cảnh sát...
Vào thời kỳ đỉnh điểm, khoảng một thập niên trước, hàng chục ngàn người châu Phi được cho là sinh sống tại đây, tất cả đều nuôi hy vọng mang về quê nhà một chút phép mầu kinh tế đã khiến Trung Quốc trở thành nền kinh tế số 2 thế giới.
Ông Kalifa Feika từ Sierra Leone tới miền Nam Trung Quốc 4 năm trước để làm giàu Ảnh: GUARDIAN
Tuy nhiên, những năm gần đây, cuộc sống ở Little Africa tàn lụi dần khi chính quyền Trung Quốc thắt chặt các quy định về thị thực cũng như mạnh tay với những người ở quá hạn trong một chiến dịch bài ngoại rầm rộ. Binh lính khua súng khắp nẻo. Thêm vào đó, tình trạng giám sát gắt gao các cộng đồng người Phi khiến cuộc sống ngày càng ngột ngạt.
Kinh tế Trung Quốc chững lại và nhiều biến động khác khiến dòng người châu Phi tới đây chậm đi. Không ít nhà sản xuất ở nước này cũng chuyển sang Nam Á hay Đông Nam Á vì chi phí nhân công tại Trung Quốc gia tăng.
Theo ông Moustapha Dieng, người đứng đầu cộng đồng Senegal ở Quảng Châu, cư dân trong cộng đồng của ông sụt giảm đáng kể trong thập kỷ qua. Tình trạng tương tự diễn ra ở các cộng đồng người Mali, Congo... Dân số của các cộng đồng này "hao hụt" không ít sau những đợt về quê mừng lễ Giáng sinh hay các ngày lễ khác. "Trước đây, nó là thành phố châu Phi nhưng nay chỉ còn là làng châu Phi" - ông Dieng nói.
Không phải ai tìm tới Little Africa cũng vì chạy theo tiếng gọi của đồng tiền. Với một số người, họ chỉ đơn giản tìm một chốn dung thân. Thế nhưng, cuộc sống cũng không hề dễ dàng khi chi phí sinh hoạt trở nên đắt đỏ và khổ sở hơn cả là sự phân biệt chủng tộc tràn lan.
Người đứng đầu cộng đồng dân Congo ở Little Africa Felly Mwamba đổ lỗi cho truyền thông Trung Quốc khi họ đưa tin một cách tiêu cực, thiếu công bằng, khắc họa Little Africa như một hang ổ tội ác.
Bình luận (0)