xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm đột phá tại thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn

Hoàng Phương

Bắc Kinh được cho là ủng hộ Tokyo và Seoul giải quyết tranh cãi thương mại thông qua con đường ngoại giao

Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc dự kiến diễn ra tại TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên - Trung Quốc ngày 24-12 giữa lúc quan hệ các nước này bị phủ bóng bởi tranh cãi về thương mại, quân sự và lịch sử.

Quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc từng gặp sóng gió vì Seoul cho phép Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) bị Bắc Kinh xem là mối đe dọa an ninh.

Trong khi đó, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản lại căng thẳng vì tranh cãi liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông. Nhật - Hàn lại đang bất đồng về thương mại và lịch sử, đe dọa đến sự hợp tác quân sự, an ninh giữa hai đồng minh hàng đầu của Mỹ tại châu Á này.

Trong bối cảnh như thế, hợp tác kinh tế và mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đang là những vấn đề gắn kết bộ ba quốc gia Đông Bắc Á này. Với việc Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và 3 của Trung Quốc, hợp tác kinh tế được xem là vấn đề đồng thuận hiếm hoi trong quan hệ giữa 3 nước này.

Tại hội nghị bộ trưởng kinh tế và thương mại khép lại hôm 22-12, các quan chức 3 nước đã nhất trí tích cực thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào năm tới. Các bên cũng nhất trí đẩy nhanh thương thảo về hiệp định thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn, trong lúc cam kết hợp tác chống lại chủ nghĩa bảo hộ và đơn phương.

Tìm đột phá tại thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn - Ảnh 1.

Từ trái qua: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp ở thủ đô Tokyo hồi tháng 5-2018 Ảnh: EPA-EFE

Giới chức nước chủ nhà cho biết một trong những nội dung chính của cuộc gặp sắp tới giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là tìm kiếm đột phá trong thương thảo về hiệp định thương mại 3 bên.

Theo báo South China Morning Post, Bắc Kinh xem hiệp định là một phần quan trọng của nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và đa dạng hóa thị trường giữa lúc thương chiến với Mỹ kéo dài.

Thách thức lớn hơn có thể đến từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Tại cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Bắc Kinh hôm 23-12, Tổng thống Moon Jae-in nhận định các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ và căng thẳng gia tăng gần đây giữa Triều Tiên và Mỹ không có lợi cho Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Tập Cận Bình, cả Bắc Kinh và Seoul đều ủng hộ giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng thông qua đối thoại và tham vấn. Trung Quốc và Nga vào tuần rồi đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên trong nỗ lực phá vỡ bế tắc hiện nay.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh có thể thuyết phục Seoul và Tokyo ủng hộ đề xuất trên hay không trước sự phản đối của Washington. Một câu hỏi khác, theo một số nhà phân tích, là liệu Trung Quốc có thành công với ý định trung gian hòa giải cuộc tranh cãi thương mại Nhật - Hàn hay không.

Chuyên gia He Ping của Trường ĐH Phục Đán (Trung Quốc) cho rằng tranh cãi này có tác động mạnh mẽ đến các nước, trong đó có Trung Quốc. Vì thế, theo ông He Ping, Bắc Kinh có thể nhắc đến vai trò quan trọng của Seoul và Tokyo trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Trong khi đó, chuyên gia Cai Liang của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) nhấn mạnh Bắc Kinh không đứng về bên nào trong cuộc đối đầu mà ủng hộ hai bên giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao. 

Triều Tiên sẽ cứng rắn hơn với Mỹ?

Triều Tiên đang lên kế hoạch theo đuổi chính sách cứng rắn với Mỹ, bao gồm loại bỏ vấn đề phi hạt nhân hóa ra khỏi bàn đàm phán. Đài CNN ngày 23-12 dẫn một nguồn thạo tin cho biết chính sách mới nhiều khả năng là "món quà Giáng sinh" mà Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Thae-song từng nhắc đến hồi đầu tháng này.

Theo nguồn tin, chính sách mới sẽ bao gồm việc chấm dứt đàm phán với Mỹ và củng cố vị thế của Triều Tiên với tư cách là một quốc gia hạt nhân.

Bình Nhưỡng cũng sẽ không tìm cách gỡ bỏ lệnh trừng phạt để phát triển kinh tế, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Thay vào đó, họ sẽ tập trung vào hệ tư tưởng "chủ thể" (Juche) của đất nước. Giới chuyên gia từng suy đoán rằng lời cảnh báo "món quà Giáng sinh" rất có thể là một vụ thử vệ tinh hoặc tên lửa hiện đại.

Loạt ảnh vệ tinh mới đây của Công ty Planet Labs (Mỹ) dường như cho thấy hoạt động của Bình Nhưỡng tại cơ sở phóng vệ tinh Sohae và một cơ sở khác liên quan đến việc sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Tuy nhiên, theo nguồn tin mật nêu trên, khả năng Triều Tiên tiến hành một vụ thử nghiệm vệ tinh, một vụ phóng ICBM hay kích nổ vũ khí hạt nhân là "rất thấp" bởi những động thái này sẽ bị xem là "quá khiêu khích", ngay cả với Nga và Trung Quốc - 2 đồng minh quan trọng nhất của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton hôm 22-12 nhận định tuyên bố của Washington về việc đang duy trì sức ép tối đa để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân là không đúng. Ông Bolton nhấn mạnh Mỹ hoàn toàn có thể mạnh tay hơn nữa và chính quyền Tổng thống Donald Trump nên thừa nhận chính sách Triều Tiên hiện nay của họ đã thất bại.

Cao Lực

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo