Theo AFP, chưa đến 24 giờ sau khi ông Brown rời bản doanh ở số 10 phố Downing, tại London và Washington đã rộ lên nhiều tin đồn ông có thể nhăm nhe chức chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Giống như người tiền nhiệm Tony Blair từng có tham vọng làm chủ tịch Liên hiệp châu Âu (EU) sau khi từ chức thủ tướng, ông Brown có thể cũng muốn có một chức vụ quốc tế lớn để tiếp tục hoạt động trên diễn đàn thế giới.
Các nguồn tin tại IMF cho rằng ông Brown có cơ hội và điều kiện lãnh đạo tổ chức tài chính này. Thứ nhất, đương kim Chủ tịch IMF Dominique Strauss-Kaln đang có ý định tranh cử tổng thống Pháp năm 2012 để gỡ danh dự trong thất bại không được Đảng Xã hội Pháp đề cử tranh cử năm 2006.
Thứ hai, ông Brown từng nhiều năm là chủ tịch Ủy ban Tiền tệ và Tài chính quốc tế (IMFC) của IMF, có nhiều bạn cũ là chuyên gia tài chính của tổ chức này.
Chuyên gia D. Lombardi tại Học viện Brookings, từng làm việc tại Ban Chấp hành IMF cùng ông Brown, nhận xét: “Ông Brown được các đồng nghiệp kính nể vì đã có đóng góp quan trọng cho việc hoạch định chính sách của IMF”.
Vấn đề quốc tịch Anh của ông Brown có thể là một trở ngại lớn. Cho đến nay, tất cả 10 giám đốc chấp hành của IMF đều thuộc các nước châu Âu, trong khi cựu cố vấn kinh tế của IMF S. Johnson mới đây cho biết: “Nhóm G-7 đã nhiều lần hứa chức chủ tịch IMF sẽ không còn dành cho một người châu Âu nữa”.
Tuy nhiên, ông Brown chưa hết hy vọng vì theo chuyên gia D. Lombardi của Học viện Brookings, nhóm G-20 yêu cầu việc bầu chọn chủ tịch IMF mới phải dựa trên cơ sở tài năng và sự minh bạch “chứ không hạn chế ở quốc tịch ứng viên”.
Bình luận (0)