Hơn 100 người dân ở ngôi làng Kalachi cũng như thị trấn Krasnogorsk – Nga được phát hiện mắc chứng bệnh gọi là “công chúa ngủ trong rừng”, khiến người bệnh đột ngột chìm vào giấc ngủ sâu và kéo dài 2-6 ngày, sau đó tỉnh lại và hầu hết đều mất trí nhớ cộng thêm bị ảo giác.
Sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận nguyên nhân khiến người bệnh rơi vào giấc ngủ triền miên không kiểm soát là do tác động của khí radon, sinh ra từ quá trình phân rã uranium gián tiếp.
Loại khí này là một nguyên tố phóng xạ, không màu, không mùi và không vị nên người dân không thể nhận biết được nếu họ hít phải. Làng Kalachi được xây dựng gần một mỏ uranium từ thời Liên Xô (cũ) nhưng hiện tại bị bỏ hoang sau khi khai thác hết nguyên liệu. Tuy nhiên, dư lượng uranium vẫn tồn tại và phân rã từ từ trong vòng 4 năm qua.
Giáo sư Leonid Rikhvanov thuộc nhóm nghiên cứu về căn bệnh, cho biết uranium từ trong lòng đất theo nước thẩm thấu lên phía trên, biến đổi thành khí radon phát tán ra xung quanh. Theo các nhà khoa học, phương pháp đo bức xạ thông thường không thể phát hiện được loại khí này, dẫn đến một số nghiên cứu trước đó không lý giải được nguyên nhân căn bệnh.
Ông Rikhvanov cho biết thêm sở dĩ những người thợ mỏ không bị ảnh hưởng là do khả năng đề kháng của họ tốt so với cư dân bản địa.
Chính quyền địa phương đang xem xét di dời toàn bộ cư dân làng Kalachi đến khu vực khác để tái định cư.
Bình luận (0)