Thượng Quan Uyển Nhi (664–710) là nữ quan có ảnh hưởng bậc nhất dưới thời Võ Tắc Thiên, thậm chí được xem là “nữ thủ tướng” đầu tiên của Trung Quốc. Mộ của bà vừa được tìm thấy ở thành phố Hàm Dương, tỉnh Thiểm Tây, theo cơ quan văn hóa di tích của tỉnh ngày 9-9.
Ngôi mộ của Thượng Quan Uyển Nhi vừa được tìm thấy ở Hàm Dương. Ảnh: ecns.cn
Ngôi mộ nằm gần sân bay quốc tế Tây An Hàm Dương và cách Trường An, kinh đô của nhà Đường, khoảng 25 km. Tuy bị hư hỏng nặng và chỉ còn sót lại một ít đồ tùy táng, song các nhà khảo cổ kết luận chủ nhân của ngôi mộ là Thượng Quan Uyển Nhi dựa trên những những thông tin về cuộc đời, gia thế của bà trên văn bia bên trong ngôi mộ. Nơi phát hiện ngôi mộ đã được phong tỏa để tiếp tục khai quật.
Được mệnh danh là một trong “tứ đại tài nữ” của Trung Hoa cổ đại, Thượng Quan Uyển Nhi có ông nội (Thượng Quan Nghi) và cha (Thượng Quan Đình Chi) là trọng thần của nhà Đường. Tuy nhiên, cả 2 đều bị Võ Tắc Thiên giết chết trên con đường thâu tóm quyền lực. 2 mẹ con bà bị bắt làm nô tì trong cung, nhưng sau đó Thượng Quan Uyển Nhi giành được sự yêu mến của Võ Tắc Thiên nhờ tài năng thi phú và quản lý triều chính.
Theo giới sử học Trung Quốc, đời thực của Thượng Quan Uyển Nhi rất phức tạp. Bà giành được sự tín nhiệm của nhiều nhân vật đứng đầu nhà Đường để tồn tại giữa cuộc tranh giành quyền lực khốc liệt giai đoạn đó. Bản thân bà cũng dính líu vào nhiều âm mưu chính trị và có đời sống tình cảm bị đánh giá là phóng đãng. Đến năm 710, Thượng Quan Uyển Nhi bị xử trảm vì tham gia âm mưu soán ngôi.
Bình luận (0)