Theo đài CNBC, trong bài phát biểu tại Nhà Trắng hôm 29-4, bác sĩ Fauci dẫn nghiên cứu mới cho thấy thuốc remdesivir của Công ty Gilead Sciences (Mỹ) giúp rút ngắn thời gian hồi phục của bệnh nhân Covid-19 nặng.
Cụ thể, loại thuốc này có tác dụng giảm thời gian phục hồi của bệnh nhân một cách rõ ràng và tích cực, từ trung bình 15 ngày xuống còn 11 ngày. Hơn nữa, tỉ lệ tử vong của nhóm dùng remdesivir là 8%, so với 11,6% của nhóm không sử dụng.
Ít nhất 50% bệnh nhân Covid-19 được điều trị bằng remdesivir đã cải thiện sức khỏe trong 5 ngày. Bác sĩ Fauci nói rằng đây là một loại thuốc có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2, đồng thời so sánh phát hiện vừa nêu với nỗ lực tìm kiếm liệu pháp điều trị AIDS cách đây 4 thập kỷ.
"Gilead đang đàm phán với chính phủ để sớm đưa remdesivir vào điều trị cho những trường hợp cần thiết nhất. Điều đó có nghĩa là thuốc dành cho bệnh nhân Covid-19 nặng bởi nghiên cứu chỉ kiểm tra những người đã nhập viện chứ không phải những người mắc triệu chứng nhẹ hoặc sớm" – ông tiết lộ.
Bác sĩ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci. Ảnh: Reuters
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ sớm bật đèn xanh để remdesivir có thể dễ dàng đến được các bệnh nhân thật sự cần nó. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi loại thuốc này đòi hỏi tiến trình phê chuẩn phức tạp hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi nghiên cứu kể trên là "một sự khởi đầu" và là "một sự kiện rất tích cực".
Bác sĩ Fauci là một trong những nhà khoa học hàng đầu của Mỹ về bệnh truyền nhiễm kiêm cố vấn chính cho nhóm phản ứng Covid-19 của Tổng thống Trump.
Trong cuộc khủng hoảng HIV/AIDS bắt đầu từ những năm 1980, bác sĩ Fauci cũng tham gia cuộc đua tìm kiếm các liệu pháp điều trị căn bệnh thế kỷ. Phát hiện về remdesivir gợi nhớ đến 34 năm trước, vào năm 1986, khi các chuyên gia y tế đang vật lộn để tìm thuốc chữa HIV và không có gì trong tay.
Ngoài ra, bác sĩ Fauci cho biết một nghiên cứu của Trung Quốc công bố hôm 29-4, theo đó khẳng định "remdesivir không mang lại lợi ích nào", không phải là nghiên cứu đầy đủ. Ông nhấn mạnh nghiên cứu của Mỹ là đáng tin cậy, không giống như nghiên cứu của Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật và Trường ĐH Y Thủ đô ở TP Vũ Hán - Trung Quốc được xuất bản trên tờ The Lancet.
Nghiên cứu ở Vũ Hán được thực hiện trên 237 bệnh nhân Covid-19, một nửa trong số họ dùng remdesivir, nửa còn lại dùng kháng sinh tiêu chuẩn. Kết quả, tỉ lệ tử vong là như nhau ở cả hai nhóm, khoảng 14%.
Bình luận (0)