Sau một thương vụ đàm phán thành công, các thương gia Anh thường sẽ thoải mái nhấm nháp 1-2 ly rượu ở một hộp đêm hay tham gia đánh một ván ở sòng bài.
Nhưng trong thời điểm một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" đang có nguy cơ nổ ra như hiện nay, quan chức an ninh Anh đã cảnh báo giám đốc điều hành các tập đoàn có lịch công tác sang Nga và Trung Quốc rằng nếu say xỉn, đánh bạc hay cặp kè lên giường với phụ nữ, họ có thể trở thành nạn nhân của những "bẫy tình" chết người do các gián điệp giăng ra.
Bìa của quyển cẩm nang chống âm mưu gián điệp do Trung tâm Bảo vệ Cơ sở hạ tầng quốc gia (CPNI) – cơ quan an ninh có nhiệm vụ báo cáo trực tiếp đến người đứng đầu MI5- phát hành. Ảnh: The Mail
Những lời khuyên để tránh "những thương vụ rủi ro cao" là nội dung chủ yếu trong quyển cẩm nang có nhan đề "Smart Traveller" (người lữ khách thông minh) được phát hành cho những công ty, tập đoàn lớn nhất Vương quốc Anh, theo tờ The Mail đưa tin vào ngày 25-3.
Cẩm nang này được xuất bản bởi Trung tâm Bảo vệ Cơ sở hạ tầng quốc gia (CPNI) – một cơ quan an ninh có nhiệm vụ báo cáo trực tiếp đến người đứng đầu MI5, trong đó liệt kê một danh sách "các hoạt động không phù hợp" có thể "gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân các doanh nhân và thương gia".
Thương nhân đi ra nước ngoài được khuyến cáo tránh các hành vi như uống rượu bia quá chén; lạm dụng các loại thuốc lá, xì gà và hóa chất; đánh bạc, đổi tiền ở chợ đen; hẹn hò trên mạng internet hay tán tỉnh phụ nữ vì những hành vi này có thể khiến họ dễ bị uy hiếp hoặc phá hoại danh tiếng.
Một số hành vi rủi ro cao mà quyển cẩm nang khuyến cáo các thương nhân nên tránh khi ra nước ngoài làm ăn. Ảnh: The Mail
Tờ The Mail hồi tháng trước từng đưa tin về một số âm mưu gián điệp, trong có vụ phóng viên hàng đầu của hãng tin BBC John Simpson từng bị giăng bẫy tình ở Cộng hòa Czech trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và vụ nữ điệp viên xinh đẹp của Nga Anna Chapman đã kết hôn với một người đàn ông Anh trước khi bị bắt vì tội làm gián điệp ở New York - Mỹ.
Nữ điệp viên Nga gợi cảm Anna Chapman. Ảnh: The Mail
Cẩm nang Smart Traveller được bí mật phân phối cho các công ty Anh giao dịch nhiều ở nước ngoài, đặc biệt là các công ty thường xuyên giao dịch "làm ăn" với Nga, Trung Quốc và chỉ mới được The Mail tiết lộ gần đây.
Theo quyển cẩm nang, thành viên của các tổ chức lớn khi mang theo "tài sản nhạy cảm" ra nước ngoài rất có nguy cơ sẽ bị mắc bẫy gián điệp, bị đánh cắp tài sản trí tuệ và một loạt mối đe dọa khác. Do vậy, họ được khuyên nên cất các thiết bị điện tử trong hành lý xách tay thay vì ký gửi trong khoang hành lý máy bay để giảm thiểu nguy cơ bị phá hoại.
Thậm chí, việc họ mặc những trang phục, phụ kiện vô hại như áo thun của đội bóng đá yêu thích hay mũ lưỡi trai có logo đội bóng chày họ yêu thích cũng có thể trở thành đề tài bắt chuyện của các gián điệp có ý đồ xấu.
Những lời khuyên liên quan đến công nghệ còn bao gồm: tắt chế độ định vị trên smartphone, tránh dùng wi-fi công cộng và xóa đi những ứng dụng (app) không cần thiết.
Quyển sách còn khuyến cáo các doanh nhân không nên thường xuyên cập nhật những trạng thái tiết lộ vị trí của mình trên mạng xã hội vì làm thế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những kẻ có ý đồ xấu theo dõi họ.
Ngoài ra, họ còn được khuyến cáo rằng khi đáp máy bay đến nơi thì không nên tiết lộ quá nhiều thông tin về mình trên thẻ xuống máy bay. Chẳng hạn, tên chức danh như "người phụ trách năng lượng hạt nhân ở các cơ sở quan trọng" sẽ khiến họ thu hút quá nhiều sự chú ý.
CPNI còn khuyên các thương gia khi ra nước ngoài không nên cư xử "như một khách du lịch lạc đường" và nên thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày để phòng trường hợp bị theo dõi. Họ cũng được khuyên nên tránh những chỗ thu hút quá nhiều sự chú ý như biểu tình trên đường phố hay những nơi đang có quay phim.
Theo cẩm nang, những "két sắt an toàn" trong khách sạn không đáng tin cậy để cất giữ tài liệu, thông tin cá nhân nhạy cảm vì những gián điệp có năng lực hoàn toàn có thể "bẻ khóa" chúng dễ dàng. Bên cạnh đó, những cuộc thảo luận cơ mật cũng không nên diễn ra trên các phương tiện giao thông công cộng hay thang máy vì chúng có thể bị nghe lỏm bởi người biết tiếng Anh dù rằng họ có thể giả vờ không hiểu.
Ngoài ra, khi trở về nước sau một chuyến đi công tác nước ngoài, các thương nhân cũng được khuyên nên đổi mật khẩu cho bất kỳ thiết bị máy móc hay tài khoản online nào họ đã dùng ở nước ngoài.
Bình luận (0)