Câu chuyện trên đã được nói đến trong tất cả những bài báo của các nhà báo Mỹ viết về đồng nghiệp Phạm Xuân Ẩn ở Sài Gòn sau khi biết được thêm một sự thật ê chề: Mình đã giao du và làm việc với một nhân viên tình báo cộng sản cả chục năm trời mà không biết. Một trong những chuyện mà họ cảm thấy khó hiểu và thán phục nhất chính là chuyện ông Phạm Xuân Ẩn liều mạng viết thư xin thả nhà báo Anson. Phải nói liều mạng vì lúc đó nếu người mang thư vào cứ bị bắt với lá thư trong người thì chính mạng sống của ông sẽ lâm nguy.
Đối với người Mỹ, đó là một câu chuyện khó tin, khó có thể xảy ra ở Mỹ hoặc một nước phương Tây nào khác. Nó đặc biệt đến nỗi khi viết cả một cuốn sách về ông Phạm Xuân Ẩn (Điệp viên hoàn hảo: cuộc đời hai mặt kỳ lạ của Phạm Xuân Ẩn, phóng viên tuần báo Time và nhân viên tình báo cộng sản Việt Nam), giáo sư sử học Mỹ Larry Berman đã dành chương đầu tiên của cuốn sách để tường thuật tỉ mỉ câu chuyện nói trên.
Đó là chưa kể ông Robert Sam Anson đã đề tặng quyển sách Tin chiến sự: Một phóng viên trẻ ở Đông Dương của mình như sau: Tặng Phạm Xuân Ẩn, người đã dạy tôi hiểu Việt Nam và ý nghĩa đích thực của tình bạn. Với anh, người đàn ông can trường nhất mà tôi chưa từng gặp, tôi đã nợ anh một món nợ không bao giờ trả được. Hòa bình”.
Một người Mỹ phản chiến
Robert Sam Anson ghét chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến mà anh cho rằng “vô đạo đức và giết người”, từ thuở sinh viên. Quan điểm này từng giúp anh kiếm được bạn đời trong một lần tham gia biểu tình phản chiến ở Trường Đại học Notre Dame. Quan điểm này cũng giúp anh sống sót trong một trường hợp hy hữu.
Ông Ẩn chú ý đến anh chàng phóng viên trẻ Anson vì anh này giống một số bạn Mỹ anh quen hồi học làm báo ở California: Tin vào những gì mình nghĩ và không ngại nói ngược lại người khác. Nhất là sự kiện Anson đối đầu với Marsh Clark, trưởng văn phòng Time ở Sài Gòn, một tay hiếu chiến, về chuyện một lá cờ Mỹ to tổ bố treo ngạo nghễ trước văn phòng Time ở đường Hàn Thuyên. Anson nói với Clark rằng Time là một cơ quan thông tấn độc lập, không phải là cơ quan Mỹ. Theo Anson, cần phải treo thêm “cờ Việt Nam Cộng hòa” cùng một cỡ.
Khi mâu thuẫn giữa sếp Clark và Anson lên đến cực điểm, Anson cầm lá đơn xin từ chức của mình đến gặp “bạn Ẩn” để tham khảo ý kiến. Bởi anh tin bạn Ẩn là người sáng suốt mặc dù anh nghe đồn rùm trong văn phòng rằng “Ẩn từng làm mật vụ cho Diệm, cho phòng nhì Pháp, cho CIA, cho tình báo Nam Việt Nam”.
Cứu trẻ em Việt kiều
Rồi Anson được phái đến Campuchia sau khi tổng thống Nixon tuyên bố vào ngày 30-4-1970 rằng 6.000 lính Việt Nam Cộng hòa được Mỹ yểm trợ bằng pháo binh và máy bay ném bom, đã đánh chiếm vùng Mỏ Vẹt vì “sợ Campuchia trở thành căn cứ của Việt Cộng”. Chính quyền Lon Nol được dịp tìm cách bắn giết các “phần tử cộng sản” trong cộng động người Việt ở Campuchia, đặc biệt ở tỉnh Tà Keo nơi đã xảy ra những cuộc biểu tình chống Lon Nol.
Đến Tà Keo, Anson nghe tin lính Lon Nol bắt hơn hai trăm Việt kiều trong đó có nhiều trẻ em, tình nghi là Việt Cộng đưa vào trại tập trung ở thị trấn Tà Keo. Anson cùng với một đồng nghiệp thuê xe hơi từ thủ đô Phnom Penh chạy về Tà Keo để theo dõi vụ này. Một hôm lính Lon Nol nổ súng vào trại, giết oan rất nhiều người, trong đó có nhiều trẻ em. Anson thấy chỉ còn sống ngắc ngoải chừng 20 người.
Bức xúc trước vụ thảm sát, Anson cố gắng chở những người bị thương về Bệnh viện ở Phnom Penh. Anh trở về khách sạn, hô hào các phóng viên nước ngoài đến Tà Keo cứu người vì “ở đó, người ta đang giết người Việt Nam”. Chuyến thứ hai, cùng với hai đồng nghiệp Mỹ, Anson cứu được thêm 5 trẻ em và 3 người lớn.
![]() |
“Người Việt thầm lặng, câu chuyện kỳ lạ về một điệp viên từng thách đố Mỹ” của nhà báo lão thành Pháp Jean-Claude Pomonti viết về Phạm Xuân Ẩn |
Rồi ngày 3-8-1970, Anson chính thức được báo là mất tích ở Campuchia. Thực ra, anh bị giải phóng quân bắt ở gần thị trấn Skoun, vì bất cẩn lái xe rất nhanh vượt qua ba trạm gác của họ. Những cuộc thẩm vấn bắt đầu, Anson khai anh là phóng viên báo Time nhưng những người bắt anh lại tin rằng anh là phi công Mỹ bị họ bắn rơi ở đâu đó, vì Anson mang theo người cuốn sổ tay phóng viên mà anh vừa ghi chép nội dung một cuộc phỏng vấn lính mũ nồi xanh Mỹ. Trong đó, anh có ghi cụm từ to tướng USAF (không quân Mỹ) khi ghi lại những chi tiết của chiến dịch ném bom Campuchia của Mỹ.
Cứu bạn
Cần phải nói rằng Anson đã gặp may. Ngay sau khi được tin chồng mất tích, Diane - vợ của Anson một tay bồng đứa con trai 5 tháng tuổi, tay dắt đứa con gái 2 tuổi rưỡi - tìm đến nhà gặp Ẩn, người bạn tốt của chồng, hỏi thăm tin tức chồng. Việc này làm ông Ẩn động lòng vì nếu trước kia ông khuyên Anson nên bỏ việc thì đâu có chuyện “mất tích” ở Campuchia.
Dịp may thứ hai là, gặp vợ Anson hôm trước, hôm sau ông Ẩn có hẹn trước gặp người giao liên duy nhất của anh là Nguyễn Thị Ba để trao bản phân tích chiến dịch xâm lăng Campuchia của Nixon và báo cáo về tình hình tư tưởng lính Việt Nam Cộng hòa của ông theo yêu cầu của Trung ương. Ông nhân dịp này gửi kèm lá thư đề nghị trả tự do cho Anson, “một người Mỹ tốt từng cứu trẻ em Việt kiều ở Tà Keo”.
Vài tuần sau, Anson được thả với lý do giải phóng quân đã kiểm tra đúng anh là phóng viên của Time. Một điều tra viên còn trách anh: “Tại sao không nói gì về việc cứu trẻ em ở Tà Keo?”. Anson không bao giờ ngờ người cứu sống anh chính là nhà báo và tình báo Phạm Xuân Ẩn.
Bình luận (0)