Sáng kiến của ông Trương được Chính phủ Trung ương ủng hộ và lễ thành lập PPRD đã được tổ chức tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông ngày 3-6 vừa qua. PPRD bao gồm 9 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và vùng lãnh thổ Hồng Kông và Ma Cao. Khu kinh tế 9+2 này tạo thành một thị trường chung thống nhất lớn nhất Trung Quốc (TQ) với số dân chiếm 1/3 cả nước (456 triệu), 1/5 diện tích, tổng GDP năm 2003 đạt 3.380 tỉ nhân dân tệ (6.600 ngàn tỉ đồng VN) chiếm 1/3 GDP toàn quốc.
Ông Trương Đức Giang cho biết khu kinh tế tam giác Châu Giang mở rộng là một thị trường thống nhất, hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, phát triển năng lượng, thủy lợi và môi trường. Sự hợp tác là có đi có lại khi các tỉnh nội địa cung cấp đất đai, lao động và tài nguyên với giá rẻ trong khi các tỉnh và đặc khu giàu nhất là Quảng Đông, Hồng Kông và Macao cung cấp vốn đầu tư, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý. Khu kinh tế PPRD ra đời nhằm cạnh tranh với khu tam giác Trường Giang với Thượng Hải là trung tâm, có các tỉnh giàu là Triết Giang và Giang Tô.
Quảng Đông và Hồng Kông là đầu tàu của sự phát triển trong toàn khu kinh tế. Riêng Hồng Kông là động lực đầu tư chủ yếu cho cả khu vực. Tính đến nay, các công ty Hồng Kông đã đầu tư 150 tỉ USD tại 9 tỉnh PPRD, chiếm hơn một nửa tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tỉ lệ này lớn nhất là ở Quảng Đông 67,3%, Giang Tây 60%, Hải Nam 51% v.v... Vai trò dẫn dắt của Quảng Đông đối với các tỉnh khác là nhân tố quyết định. Hiện nay 29% nguồn đầu tư của Tứ Xuyên với 87 triệu dân là từ Quảng Đông trong khi tỉ lệ này ở Hồ Nam với 67 triệu dân là 33%. Quảng Đông với 79,5 triệu dân còn là nơi cưu mang khoảng 8 triệu người nhập cư Hồ
Bước đầu tiên thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế PPRD là mở rộng và hiện đại hóa hệ thống đường xe lửa và xa lộ nối liền 9 tỉnh. Theo kế hoạch, đến năm 2020 tổng chiều dài đường xe lửa của toàn khu kinh tế sẽ là 29.000 km so với 19.000 km hiện nay và 22 đường xa lộ cao tốc mới sẽ được xây dựng với tổng chiều dài 30.000 km. Hệ thống đường xe lửa của khu kinh tế sẽ nối liền với đường xe lửa xuyên ASEAN từ Singapore tới Côn Minh (Vân Nam).
Tham vọng của khu kinh tế PPRD là rất lớn, không chỉ hợp tác nội bộ 9 tỉnh mà còn muốn làm ăn với các nước ASEAN láng giềng khi TQ đã có quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN + 1 và đang tiến tới thành lập khu vực buôn bán tự do TQ - ASEAN. Tuy nhiên, các nhà kinh tế Hồng Kông cho rằng cần có thời gian PPRD mới có thể trở thành một khu vực kinh tế phát triển ổn định vì trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là sự phát triển không đồng đều, sự cách biệt giàu nghèo còn rất lớn và chủ nghĩa bảo hộ địa phương của các tỉnh thành viên còn rất phổ biến chưa thể sớm khắc phục.
Bình luận (0)