xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản quý báu

Theo TTXVN

Việt Nam – Trung Quốc ký kết 6 văn bản hợp tác quan trọng, trong đó có thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Bắc Kinh trưa 11-10, bắt đầu chuyến thăm chính thức CHND Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Chiều 11-10, lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã được tổ chức trọng thể tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào chủ trì lễ đón.

Tôn trọng, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau

Sau lễ đón, tại Đại lễ đường Nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm cấp cao với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Tại buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng, toàn diện của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực trong 20 năm qua, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay (1991–2011).
Hai bên nhấn mạnh sự tôn trọng, hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hợp tác và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế là cơ sở quan trọng cho quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh; khẳng định tình hữu nghị Việt - Trung là tài sản quý báu chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, cần được hai bên không ngừng củng cố, phát triển và truyền mãi cho các thế hệ mai sau.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin thường xuyên giữa hai nước tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hiệp Quốc, WTO, APEC, ASEM, ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF… cùng nhau góp phần giữ gìn và thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

img

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào chứng kiến lễ

ký kết Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Trước đó, tại Đại lễ đường Nhân dân cũng đã diễn ra cuộc hội đàm hẹp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Trong không khí chân thành, thẳng thắn, tin cậy lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo tối cao của hai Đảng, hai nước, trên cơ sở điểm lại quá trình hơn 60 năm phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, đã khẳng định những thành quả đạt được trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 20 năm qua kể từ khi bình thường hóa đến nay là hết sức to lớn và rất quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho sự phát triển ổn định của mỗi Đảng, mỗi nước cũng như cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực, cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Tăng cường hợp tác lập pháp song phương

Cũng trong chiều 11-10, tại Đại lễ đường Nhân dân đã diễn ra cuộc hội kiến giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Ngô Bang Quốc, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc nước CHND Trung Hoa. Tại cuộc hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Ngô Bang Quốc nhất trí cho rằng quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước cần được tăng cường mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả hơn nữa dưới nhiều hình thức.

img

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Ảnh: TTXVN

Ngay sau các cuộc hội đàm, hội kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cùng hai đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến lễ ký 6 văn kiện hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, hai Nhà nước, bao gồm: Kế hoạch hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2011-2015; quy hoạch phát triển 5 năm về hợp tác kinh tế, thương mại giai đoạn 2012-2016 giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa; thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo nước CHXHCN Việt Nam và Bộ Giáo dục nước CHND Trung Hoa giai đoạn 2011-2015; Nghị định thư giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa về việc sửa đổi Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa; Nghị định thư giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa về việc thực hiện Hiệp định Vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ nước CHND Trung Hoa; thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa.

Tối cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã chủ trì chiêu đãi chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Đại lễ đường Nhân dân.

Nỗ lực tránh làm phức tạp vấn đề biển Đông

Về vấn đề biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhìn nhận đây không phải là toàn cục quan hệ Việt-Trung nhưng đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp đối với cả hai Đảng, hai nước vì nó liên quan đến chủ quyền quốc gia dân tộc. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề hoàn toàn có thể giải quyết được.
 
Nếu hai bên xuất phát từ tầm cao chiến lược, từ lợi ích của nhân dân hai nước và căn cứ vào các chuẩn mực của luật pháp quốc tế thì hoàn toàn có thể tìm ra được một giải pháp thỏa đáng, có lý, có tình, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai nước đều nỗ lực tránh làm phức tạp vấn đề biển Đông và bình tĩnh xử lý những bất đồng thông qua đàm phán hòa bình.
 
 
Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhất trí cho rằng, giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Hai bên nhất trí căn cứ vào những nhận thức chung mà Lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong vấn đề trên biển, trên cơ sở “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” năm 1993, xử lý và giải quyết vấn đề trên biển tuân theo những nguyên tắc dưới đây:

1. Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
2. Trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử,… đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán. Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.
3. Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC).
Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác.
4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, tích cực bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thỏa thuận này.
5. Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau. Vững bước thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tích cực bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển tại vùng biển này. Tích cực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển, phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Nỗ lực tăng cường tin cậy lẫn nhau để tạo điều kiện cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn hơn.
6. Hai bên tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên tổ chức, khi cần thiết có thể tiến hành các cuộc gặp bất thường. Hai bên nhất trí thiết lập cơ chế đường dây nóng trong khuôn khổ đoàn đại biểu cấp Chính phủ để kịp thời trao đổi và xử lý thỏa đáng vấn đề trên biển.
Thỏa thuận này ký tại Bắc Kinh, ngày 11 tháng 10 năm 2011, thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo