Đại gia dầu mỏ này cuối cùng cũng lãnh đau thương nhưng có vẻ chưa chịu lùi bước trong cuộc chiến với Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Không ai lạ gì chuyện Ả Rập Saudi xài sang. Việc tranh giành ảnh hưởng ở Trung Đông với Iran khiến Ả Rập Saudi không tiếc tiền nhập về các khí tài quân sự tối tân. Chiến dịch quân sự gần đây ở Yemen và tham gia không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria cũng tiêu tốn không ít của Riyadh.
Bên cạnh chi tiêu quốc phòng - đạt mức 10% GDP vào năm ngoái, Ả Rập Saudi còn vung tiền để ngăn ngừa mầm mống bất ổn xã hội sau sự kiện Mùa xuân Ả Rập, trong đó họ lo ngại nhất là tỉ lệ thất nghiệp cao.
Theo Cục Tình báo trung ương Mỹ, 2/3 dân số Ả Rập Saudi dưới 30 tuổi và tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-29 lên tới 29% song kinh tế nước này vẫn phải dựa chủ yếu vào hơn 6 triệu nhân công nước ngoài do lao động trong nước thiếu cả đào tạo lẫn kỹ năng. Theo đài CNN (Mỹ), sau khi lên ngôi hồi tháng 1 qua, Quốc vương Salman hào phóng thưởng tới 32 tỉ USD cho tất cả người lao động và người hưởng lương hưu.
Theo báo Anh The Guardian, những khoản chi này không là gì nếu giá dầu trên mức 100 USD/thùng, kể cả khi người dân Ả Rập Saudi không hề đóng thuế thu nhập và tiền xăng chưa tới 10 xu Mỹ/lít, tiền điện khoảng 1,3 xu Mỹ/ KWh - rẻ như cho nhờ được trợ giá.
Nhưng giá dầu hiện rớt còn 44 USD/thùng và một hố đen nhanh chóng há miệng trong ngân sách Ả Rập Saudi bởi 90% doanh thu của họ đến từ dầu mỏ. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán Ả Rập Saudi đối mặt thâm hụt ngân sách lên đến 20% GDP - xấp xỉ 140 tỉ USD - trong năm nay, mức cao bất thường đối với nước thường xuyên có thặng dư. Từ đỉnh điểm 737 tỉ USD (tháng 8-2014), dự trữ ngoại tệ của Ả Rập Saudi rớt xuống còn khoảng 660 tỉ USD cuối tháng 6 qua.
Ả Rập Saudi chỉ có thể tự trách mình, theo CNN. Tháng 11 năm ngoái, nước này đánh cược lớn khi ngưng hỗ trợ giá dầu, quyết không cắt giảm sản lượng để giữ thị phần và “tống cổ” các đối thủ khỏi thị trường.
Nhưng họ khó lòng nhổ nổi cái gai lớn nhất - ngành dầu đá phiến Mỹ - bởi theo báo The Telegraph (Anh), các nhà sản xuất Mỹ có thể cắt giảm 45% chi phí trong năm nay nhờ các kỹ thuật khoan tiến bộ. Dù số giếng khoan giảm từ 1.608 (tháng 10-2014) xuống 664 (hiện nay) nhưng sản lượng lại lập kỷ lục trong vòng 45 năm qua - đạt 9,6 triệu thùng/ngày vào tháng 6 qua (Ả Rập Saudi đạt 10,6 triệu thùng/ngày cùng thời điểm). Ngay khi giá dầu “ngoi” lên 55-60 USD, các giếng dầu tạm đóng cửa sẽ lại nhanh chóng nhộn nhịp.
Cũng theo Telegraph, nếu thị trường tiếp tục như hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Ả Rập Saudi có thể chỉ còn 200 tỉ USD vào cuối năm 2018 và đối mặt khủng hoảng vào cuối thập kỷ này, từ đó mất đi ánh hào quang trong thế giới Sunni.
Đài CNN dẫn lời ông Fahad al-Mubarak, Thống đốc Cục Tiền tệ Ả Rập Saudi, dự đoán: “Chúng ta sẽ chứng kiến cảnh đi vay nhiều hơn trong các tháng tới”. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cũng không khá hơn khi bị ngân hàng Bank of America (Mỹ) đánh giá là “đã tan rã trên thực tế”.
Tuy nhiên, ông Kaan Nazli, chuyên gia tài chính, lạc quan hơn: “Nợ công của Ả Rập Saudi mới ở mức 6,5% GDP vào cuối năm 2014 và vẫn dưới 10% ngay cả khi phát hành 27 tỉ USD trái phiếu. Trong tương lai, nước này có thể thu lợi từ những đầu tư trong lĩnh vực bất động sản và hạ tầng, đồng thời thu hút các nhà đầu tư nước ngoài”.
Bình luận (0)