Các nhà chức trách Trung Quốc kỳ vọng đây là giải pháp hiệu quả cho tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu.
Hai tòa tháp “xanh” thuộc dự án trên sẽ cung cấp cho thành phố không khí trong lành và sản xuất nhiều ôxy mỗi ngày. Theo mục tiêu đề ra, tháp Nam Kinh hấp thụ 25 tấn CO2 mỗi năm và tạo ra 60 kg ôxy/ngày. Để đạt được mục tiêu này, tòa nhà sẽ được bố trí 1.100 cây từ 23 loài thực vật địa phương, cùng với khoảng 2.500 cây bụi và cây trồng. Trong đó, 600 cây cao và 500 cây cỡ trung bình sẽ phát triển ở các tòa tháp. Ông Architetti tin rằng điều này sẽ giúp mang lại sự đa dạng sinh học cho địa phương.
Hai tòa tháp có chiều cao 107 m và 199 m nói trên dự kiến tọa lạc tại quận Phổ Khẩu. Theo ông Architetti, địa phương này sẽ đi đầu trong nỗ lực hiện đại hóa khu vực phía Nam tỉnh Giang Tô cũng như góp phần vào sự phát triển của khu kinh tế sông Dương Tử. Tòa tháp cao hơn sẽ gồm khu vực văn phòng, bảo tàng, một trường kiến trúc… Tòa tháp còn lại sẽ có một khách sạn 247 phòng và hồ bơi trên tầng thượng. Ngoài ra, tòa tháp cũng có các cửa hàng, nhà hàng và phòng hội nghị. Với không gian xanh tại ban công, tháp Nam Kinh phần nào giúp người sinh sống ở đó gần gũi hơn với thiên nhiên.
Từ năm 2014, Trung Quốc tuyên chiến với ô nhiễm nhưng chính quyền vẫn đối mặt nhiều thách thức sau nhiều thập kỷ tăng trưởng kinh tế thần tốc, phần lớn dựa vào nhiệt điện đốt than và các ngành công nghiệp nặng khác. Chính quyền trung ương cam kết xử lý các công ty và quan chức địa phương nếu để ô nhiễm không khí vượt giới hạn. Hiện tại, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được ở Nam Kinh là 167, có nghĩa là không lành mạnh.
Với dự án nói trên, theo trang Cnet, Nam Kinh sẽ là thành phố thứ 3 có kiến trúc “rừng dọc”. Những địa phương xây dựng theo khái niệm này trước đó là TP Milan - Ý và TP Lausanne - Thụy Sĩ. Theo kế hoạch, dự án tháp Nam Kinh hoàn thành vào năm 2018. Không dừng lại ở đây, kiến trúc sư Stefano Boeri Architetti có kế hoạch xây dựng các cấu trúc tương tự ở tỉnh Quý Châu cùng các thành phố như Trùng Khánh, Thạch Gia Trang, Liễu Châu và Thượng Hải.
Bình luận (0)