Lịch sử thảm khốc
30 năm trước ngày 17-4-1975, Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh để từ đó đẩy đất nước Campuchia (CPC) vào thảm họa diệt chủng. Tháng 1-1979 nhờ sự chi viện của quân tình nguyện VN, nhân dân CPC đã lật đổ chế độ Khmer Đỏ sau khi phải trả giá 2 triệu người vô tội, tức 31% dân số bị chế độ Pol Pot tàn sát. Tội diệt chủng này còn tàn bạo hơn cả tội ác của Đức Quốc xã thời thế chiến II.
Năm 1991, một phái đoàn Liên Hiệp Quốc (LHQ) tới CPC tìm giải pháp chấm dứt cuộc nội chiến do tàn quân Khmer Đỏ gây ra và tổ chức cuộc bầu cử thành lập chính phủ mới của Vương quốc CPC.
. Sự thật phũ phàng: “Năm 1999, 2 trùm Khmer Đỏ bị bắt, nhưng chưa một thủ lĩnh nào của chế độ Pol Pot bị xét xử. Giờ đây, 26 năm sau khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ, một tòa án do LHQ và Chính phủ CPC thành lập đang sẵn sàng mở phiên tòa”.
(Nhà báo Nic Dunlop của SCMP) |
Chỉ có 2 tên Khmer Đỏ bị cầm tù chờ ngày ra tòa án quốc tế là Ta Mok có biệt danh “đồ tể”, được coi là chỉ huy tàn ác nhất của Khmer Đỏ và Duch, cựu trùm mật vụ, chỉ huy nhà tù Tuol Sleng, đã chỉ đạo hỏi cung và thủ tiêu 20.000 người bị coi là “kẻ thù của cách mạng chống lại Angka” (Khmer Đỏ).
Lập tòa án
Tháng 10-2004, sau 7 năm đàm phán kéo dài, LHQ cuối cùng đã phê chuẩn một thỏa thuận với Chính phủ CPC lập một tòa án xét xử những nhà lãnh đạo còn sống của Khmer Đỏ (trùm Pol Pot đã chết năm 1997).
Ngân sách của tòa án được ấn định là 56 triệu USD. Cho đến nay, đã có 38 triệu USD được cam kết đóng góp, trong đó có 21,5 triệu USD của Nhật, 4 triệu USD của Pháp, 2,1 triệu USD của Úc, 1 triệu USD của Anh.
Thành phần của tòa án quốc tế sẽ gồm các chuyên gia tư pháp CPC và nước ngoài, trong đó đa số là luật sư CPC. Hiện nay, người ta mới chỉ biết chắc chắn là tòa án quốc tế sẽ xét xử những hành đồng của Khmer Đỏ trong thời gian từ năm 1975 đến 1979 và sẽ có từ 7 đến 10 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ sẽ ra trước vành móng ngựa.
![]() |
Trùm mật vụ Duch và tên đồ tể Ta Mok (từ trái sang) |
Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại liệu phiên tòa có hoàn toàn khách quan hay không vì hiện có nhiều cựu Khmer Đỏ tham gia các cấp chính quyền ở CPC. Tổ chức Ân xá quốc tế và một số tổ chức nhân quyền không hoàn toàn ủng hộ tòa án quốc tế. Nhưng hầu hết mọi người đều thống nhất cho rằng cần phải mở phiên tòa vì đây là cơ hội tốt nhất để đất nước CPC rũ bỏ giai đoạn diệt chủng và chấm dứt thời kỳ tội phạm không bị trừng phạt.
Chhang Youk, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ tư liệu CPC thành lập năm 1995 ở Phnom Penh, cho biết trung tâm đã thu thập được hàng trăm ngàn trang tài liệu và ảnh liên quan đến tội diệt chủng để cung cấp cho tòa án quốc tế. Trung tâm lưu trữ cũng xác định và thống kê được 189 nhà tù của Khmer Đỏ, 19.403 mồ chôn tập thể nạn nhân bị tàn sát trong cả nước.
Vai trò của phương Tây
Nhiều nhà xã hội học và giới luật gia cho rằng “tấm lưới pháp luật cần phải giăng rộng hơn” và không thể bỏ qua tội ác của Mỹ ném bom đánh phá CPC cuối thập kỷ 60 và đầu thập kỷ 70 cũng như sự ủng hộ của phương Tây đối với Khmer Đỏ trong thập kỷ 80, kể cả sự bao che và ủng hộ của Chính phủ Anh. Benson Samay, luật sư của Ta Mok, dọa sẽ phanh phui sự thật về lực lượng biệt kích Anh SAS huấn luyện bí mật du kích Khmer Đỏ. Cũng như vai trò của Mỹ, Anh, Thái Lan cung cấp tiền bạc, vũ khí, lương thực cho Khmer Đỏ trong những năm nội chiến trước năm 1991. Năm 1989, báo Anh The Telegraph lần đầu tiên tiết lộ lực lượng SAS giúp huấn luyện du kích, Khmer Đỏ chống Chính phủ Phnom Penh. Năm 1991, sau nhiều lần phủ nhận, Chính phủ Anh cuối cùng phải thừa nhận đã huấn luyện du kích Khmer Đỏ từ năm 1983. Một báo cáo của Tổ chức Giám sát nhân quyền tiết lộ lực lượng SAS đã huấn luyện các hoạt động phá hoại cầu đường, sân bay, gài mìn mà giờ đây gọi là “hoạt động khủng bố”.
Một cựu du kích Khmer Đỏ có bí danh Sarouen gần 50 tuổi, kể ông ta cùng nhiều người được Ta Mok cử sang một căn cứ ở tỉnh Sisaket, Thái Lan cuối năm 1986 để được quân đội Thái Lan huấn luyện và cung cấp vũ khí, đạn dược, quần áo. Sarouen cho biết nhiều cố vấn Anh đã từ Thái Lan đi theo du kích Khmer Đỏ sang CPC tới tận khu đền Angkor, dạy cách phá hoại “kiểu du kích”. Có tới 5 trại huấn luyện của lực lượng SAS Anh ở biên giới Thái Lan - CPC.
Có điều gần như chắc chắn là cả LHQ và Chính phủ CPC sẽ không cho phép đưa ra trước phiên tòa bằng chứng nước ngoài ủng hộ Khmer Đỏ. Những tiết lộ như thế có thể gây khó xử cho LHQ và những nước phương Tây đang viện trợ cho chương trình phát triển của CPC.
Chờ đợi công lý
Trong số những nhân vật có nhiệm vụ sưu tầm, thu thập hồ sơ về tội ác của Khmer Đỏ có một người được các chuyên gia LHQ chú ý. Đó là Sokheang, một trí thức học kỹ thuật nông nghiệp ở Paris trong những năm đầu 1970. Năm 1975 sau khi chế độ Lon Nol được Mỹ ủng hộ bị Khmer Đỏ lật đổ, Sokheang trở về CPC đoàn tụ với gia đình, đã trở thành nạn nhân của chế độ diệt chủng vì thuộc thành phần trí thức phải bị cải tạo lao động ở các trại tập trung xa thành phố. Khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ, Sokheang còn bị kẹt tại một trại giam ở biên giới Thái Lan. Năm 1992, theo kế hoạch hòa bình của LHQ, Sokheang trở về CPC làm việc cho một tổ chức nhân quyền ở Phnom Penh. Trong 10 năm qua, Sokheang đã điều tra hàng ngàn vụ tàn sát chính trị dưới chế độ diệt chủng, tham gia các đội khai quật mộ những nạn nhân bị Khmer Đỏ tàn sát. Ông cho biết hơn 200 bạn ông đã bị giết hại và mất tích.
Đối với hàng triệu người như Sokheang, chờ đợi công lý quả là quá lâu sau nhiều năm tháng. Hơn 1/4 thế kỷ sau khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ, giờ đây những kẻ chịu trách nhiệm tạo ra “những cánh đồng chết” cuối cùng phải bị phán xét để chịu tội. Sokheang cũng như bao nhiêu người CPC khác mong muốn LHQ và Chính phủ CPC giữ đúng lời hứa trả lại công lý cho tất cả những nạn nhân của chế độ diệt chủng và toàn thể dân tộc CPC.
Bình luận (0)