Năm 2015 đánh dấu nhiều kết quả đáng ghi nhận trong quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam. Đó là lễ ký kết hợp đồng mua 92 máy bay Airbus trị giá 9 tỉ USD của Vietjet Air (Việt Nam) tại Pháp; dự án xây dựng nhà máy mới của Sanofi hay Tập đoàn Bel (Pháp, nổi tiếng với thương hiệu “Con bò cười”) tại Việt Nam; sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập Chương trình Đào tạo về quản lý (CFVG) - với thành tích đào tạo hơn 2.000 thạc sĩ quản lý MBA Việt Nam.
Ngoài ra còn có thể kể đến Chương trình Đào tạo kỹ sư tài năng (PFIEV) tại các trường ĐH Bách khoa ở Việt Nam…
Tổng Lãnh sự Emmanuel Ly-Batallan trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Người Lao Động Ảnh: RAYMOND LOUIS
Cũng trong năm 2015, nước Pháp đã tiếp nhiều đoàn cấp bộ và Chính phủ của Việt Nam, trong đó có chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong khuôn khổ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Paris (COP 21). Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương, công dân Pháp tại nước ngoài và du lịch, ông Fekl, cũng như nhiều đoàn nghị sĩ Pháp, đã đến Việt Nam. Những trao đổi đoàn này sẽ tiếp tục trong năm 2016.
Nhưng với Tổng Lãnh sự Pháp tại TP HCM Emmanuel Ly-Batallan, ông và các nhà ngoại giao Pháp còn có một trọng trách khác là giải đáp rất nhiều câu hỏi về Việt Nam của bạn bè và người thân ở quê nhà mỗi khi trở về. “Nói một cách đơn giản, theo cách của mình, tôi trở thành một “đại sứ” của Việt Nam tại Pháp” - ông nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao đã có 4 năm làm việc ở Việt Nam cho biết ông phải lòng đất nước này bởi chính sự trẻ trung và năng động toát lên ở mỗi con người. Lịch sử 2 nước đã có một giai đoạn gắn bó nên trong trái tim của người Pháp, Việt Nam luôn có một vị trí đặc biệt. “Đất nước các bạn có một truyền thống lâu đời và đang hướng đến một tương lai với nhiều lạc quan và hăng say. Nền kinh tế đang phát triển tốt. Việt Nam ngày càng giữ vai trò quan trọng trong các vấn đề của khu vực, cụ thể là của khối ASEAN” - ông Ly-Batallan nhận xét.
Mỗi khi trở về quê nhà, vị tổng lãnh sự này bị “bao vây” bởi nhiều người Pháp mong muốn được biết về đất nước Việt Nam. Nước Pháp còn là nơi sinh sống của một cộng đồng đông đảo người Việt hoặc người Pháp gốc Việt. Nhà ngoại giao này nhìn nhận: “Ẩm thực Việt Nam cũng khá quen thuộc với số đông người Pháp nhưng phải thừa nhận rằng muốn ăn ngon món Việt Nam thì vẫn chỉ có thể tìm thấy ở Việt Nam”.
Kể về TP HCM, ông Emmanuel Ly-Batallan dùng 2 chữ “hạnh phúc” để diễn tả cảm xúc khi được đề nghị đến công tác tại thành phố tưởng chừng không bao giờ ngủ này. Lần đầu đặt chân đến thành phố mang tên Bác, cũng như nhiều người nước ngoài khác, ông Ly-Batallan không khỏi sửng sốt với mật độ giao thông dày đặc, hỗn độn dễ khiến người ta hoang mang.
Tuy nhiên, theo ông, đó chỉ là vẻ bề ngoài. Ấn tượng nhất trong ông là sự dễ thương của con người tham gia giao thông với cách xử sự nhã nhặn và bình tĩnh. Cũng theo chia sẻ của nhà ngoại giao Pháp, tại TP HCM cũng như khu vực phía Nam (khu vực lãnh sự thuộc thẩm quyền của ông gồm 23 tỉnh, thành), ông luôn cảm thấy thoải mái và được chào đón nồng nhiệt tại bất cứ nơi nào đặt chân đến dù với tư cách chính thức hay chỉ mang tính cá nhân.
Quốc hội Pháp đang có kế hoạch sớm xem xét phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên minh châu Âu (PCA) vào đầu năm 2016 sau khi hiệp định này được Thượng viện Pháp phê chuẩn hôm 17-12 với 100% ý kiến tán thành. Một khi được cả hai viện của Nghị viện Pháp thông qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung, giữa Việt Nam và Pháp nói riêng, sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thêm vào đó, PCA cùng với quan hệ đối tác chiến lược đã được hai nước Việt Nam và Pháp ký kết vào tháng 9-2013 sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới, hiệu quả hơn, sâu sắc hơn.
Bình luận (0)