Trên thế giới vừa xảy ra hàng loạt vụ án gây xôn xao dư luận mà thủ phạm là những người có trạng thái tâm thần không ổn định.
Liên tục gây án
Gần đây nhất, vụ cướp chiếc máy bay của hãng EgyptAir hôm 29-3 đã kết thúc sau 6 giờ đấu trí căng thẳng. Thế nhưng, điều còn đọng lại là cảm giác vừa mừng vừa lo bởi tên không tặc - Seif Eldin Mustafa (59 tuổi) - được mô tả là có trạng thái tâm thần không ổn định khi y uy hiếp, buộc phi công chuyển hướng máy bay sang Cyprus để đòi gặp vợ cũ.
Trước đó 1 ngày, dư luận Đài Loan chấn động trước thông tin một bé gái 4 tuổi ở TP Đài Bắc bị chặt đầu ngay trước mắt người mẹ giữa thanh thiên bạch nhật. Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, tên hung thủ 33 tuổi được cho là kẻ không ổn định về tâm thần và có tiền án liên quan đến ma túy.
Đáng sợ không kém, ngày 29-2, một phụ nữ mặc bộ đồ đen vung vẩy chiếc đầu bé gái 4 tuổi (do người này chăm sóc) bên ngoài nhà ga xe điện ngầm ở phía Tây Bắc Moscow, đồng thời lảm nhảm rằng chặt đầu đứa bé để trả thù cho những người Hồi giáo bị giết hại trong chiến dịch không kích của Nga ở Syria. Theo Reuters, đó là Gulchekhra Bobokulova (38 tuổi, người Uzbekistan), được các công tố viên xác định không ổn định về tâm thần…
Thủ phạm chặt đầu bé gái 4 tuổi ở Đài Loan Ảnh: CNA
Tên không tặc Seif Eldin Mustafa Ảnh: IN-CYPRUS
Thêm vào danh sách trên, theo báo The Hindu, 1 nam thanh niên 20 tuổi đã gạ gẫm 1 học sinh cấp 2 ở Nam Delhi - Ấn Độ vào giữa tháng 3 vừa qua. Khi bị người dân địa phương đánh đập và giao cho cảnh sát, cha mẹ y đã cung cấp chứng từ xác nhận y đã điều trị bệnh tâm thần được 2 năm nay.
Sốc không kém, những hình ảnh chụp một giáo viên trung học ở tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc trần truồng định cưỡng hiếp học sinh nữ đang khiến dư luận xôn xao. Giáo viên này cũng có tiền sử bệnh tâm thần, theo xác nhận của giới chức địa phương.
Không thể phớt lờ
Hãng thông tấn CNA của Đài Loan nhận định nếu kẻ giết hại bé gái 4 tuổi ở Đài Bắc hôm 28-3 đúng là bất ổn về tâm thần thì nhiều người bệnh tâm thần ở Đài Loan được coi như những quả bom hẹn giờ. Không thể phớt lờ nguy cơ này, theo hãng tin, chính quyền cần hỗ trợ họ trị bệnh nhiều hơn và theo dõi những người bệnh có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Song song đó là tăng cường nghiên cứu cách hành xử của họ cũng như trám những lỗ hổng pháp lý khiến nhiều người tâm thần phạm tội ác thoát được sự trừng phạt. Vai trò của gia đình trong việc chạy chữa và theo sát người bệnh cũng được nhấn mạnh.
Có thể nói Mỹ là nơi xảy ra nạn xả súng vô tội vạ nhất thế giới. Theo website ShootingTracker, trong năm 2015, nước này có 353 vụ xả súng gây thương vong từ 4 người trở lên. Cứ sau mỗi vụ, dư luận lại tập trung bàn về ảnh hưởng của bệnh tâm thần, đồng thời cho rằng bệnh tâm thần gây ra bạo lực súng và chẩn đoán tốt về tâm thần có thể ngăn ngừa tội ác này. Trang web ncbi.nlm.nih.gov nhìn nhận có chứng cứ mạnh mẽ khẳng định những kẻ xả súng giết người hàng loạt ở Mỹ thường bị bệnh tâm thần và cách ly về mặt xã hội.
Các chính khách hàng đầu ở Mỹ cũng lên tiếng về vấn đề nổi cộm này. Chưa đến 24 giờ sau vụ xả súng ở TP San Bernardino, bang California hôm 2-12-2015, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan chê trách luật pháp về sức khỏe tâm thần của Mỹ yếu kém. Phát biểu trên kênh CBS, ông Ryan tuyên bố: “Chúng ta cần sửa đổi pháp luật sức khỏe tâm thần vì chúng đã lạc hậu. Nếu không sửa đổi, người tâm thần vẫn có được súng và thực hiện những vụ thảm sát”.
Bình luận (0)