Kể từ khi Nga tấn công và phong tỏa các cảng Ukraine trên biển Đen, các chuyến hàng ngũ cốc đã bị đình trệ và hơn 20 triệu tấn bị mắc kẹt trong các hầm chứa. Ukraine cho biết họ đang đối mặt tình trạng thiếu hầm chứa cho vụ mùa mới. Xung đột Nga - Ukraine đang làm tăng giá ngũ cốc, dầu ăn, nhiên liệu và phân bón.
"Tôi đang làm việc chặt chẽ với các đối tác châu Âu để đưa 20 triệu tấn ngũ cốc ở Ukraine ra thị trường nhằm giúp hạ giá lương thực. Lượng ngũ cốc này hiện không thể ra khỏi biển Đen" – Tổng thống Biden khẳng định.
Kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2, Ukraine và Nga đã đặt mìn trên biển. Khoảng 84 tàu nước ngoài đang mắc kẹt tại các cảng của Ukraine, trong số này có nhiều tàu chở ngũ cốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14-6 công bố kế hoạch xây hầm chứa tạm thời dọc biên giới Ukraine nhằm hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc. Ảnh: Reuters
Tổng thống Biden cho biết Washington lên kế hoạch đưa ngũ cốc Ukraine ra thị trường bằng đường ray xe lửa. Tuy nhiên, do những khác biệt liên quan đến hệ thống đường ray của Ukraine và châu Âu, ngũ cốc trước tiên phải được chuyển đến biên giới.
"Vì thế, chúng tôi sẽ xây hầm chứa tạm thời trên địa phận các nước giáp biên giới Ukraine, kể cả Ba Lan" – ông chủ Nhà Trắng giải thích.
Ngũ cốc có thể được chuyển từ các toa tàu của Ukraine sang các hầm chứa mới, trước khi được đưa lên các toa tàu của châu Âu để "vận chuyển ra biển và khắp thế giới", Tổng thống Biden nói thêm, đồng thời khẳng định kế hoạch này cần thời gian.
Trong khi đó, theo đài RT, Thứ trưởng phụ trách Chính sách Quốc phòng Mỹ Colin Kahl mới đây tiết lộ Washington đang gửi cho Ukraine tên lửa hành trình hạng nặng có tầm bắn 70 km để sử dụng với Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS).
Thứ trưởng phụ trách Chính sách Quốc phòng Mỹ Colin Kahl. Ảnh: Facebook
Phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tổ chức, ông Kahl nêu rõ HIMARS sẽ được chuyển giao cùng với tên lửa hành trình GMLRS.
"GMLRS là loại tên lửa hành trình có độ chính xác cao và kích thước lớn. GMLRS giúp một cuộc tấn công hiệu quả hơn vì gây tác động như một cuộc không kích, thay vì phải phóng một loạt tên lửa. Nói cách khác, bạn có thể phá hủy nhiều mục tiêu chỉ với lượng tên lửa rất ít, hoặc không cần nhiều tên lửa để đạt được hiệu quả đáng kể" – ông Kahl cho biết thêm.
Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS). Ảnh: Lockheed Martin
Bình luận (0)