Nhà lãnh đạo này chỉ trích các tập đoàn dầu khí lớn thu lợi nhuận "cao khó tin" trong lúc người dân lo ngại về lạm phát và giá xăng cao. Theo ông Biden, ngành công nghiệp dầu mỏ đã không thực hiện cam kết "đầu tư tại Mỹ" và "hỗ trợ người Mỹ".
Ông chủ Nhà Trắng cảnh báo nếu các tập đoàn dầu khí không làm thế, họ sẽ phải đóng thuế nhiều hơn đối với phần lợi nhuận "khủng" thu được, cũng như đối mặt các hạn chế khác. "Nhà Trắng sẽ làm việc với Quốc hội để xem xét các lựa chọn cần thiết. Đã đến lúc các công ty này ngừng trục lợi từ xung đột" - ông Biden khẳng định.
Tổng thống Biden có phản ứng trên sau khi một loạt đại gia năng lượng toàn cầu, trong đó có ExxonMobil và Chevron (đều của Mỹ), công bố khoản lợi nhuận khổng lồ trong quý III/2022 nhờ hưởng lợi từ giá khí đốt và nhiên liệu tăng cao.
Thông tin này dẫn đến lời kêu gọi đánh thuế cao hơn nữa đối với lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng cho dù đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, việc thông qua luật đánh thuế phần lợi nhuận vượt mức của các công ty năng lượng sẽ gặp nhiều chông gai.
Giá xăng vừa tăng trở lại ở Mỹ, đe dọa gây ra thách thức chính trị cho chính quyền Tổng thống Joe Biden trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tớiẢnh: Reuters
Theo trang Bloomberg, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ lập luận rằng một động thái như thế sẽ không có lợi cho người tiêu dùng và hoạt động sản xuất nhiên liệu. "Nó có thể khiến doanh nghiệp không còn muốn khai thác thêm nhiên liệu và làm cho vấn đề của người dân trở nên tồi tệ hơn" - ông Chet Thompson, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất nhiên liệu và hóa dầu Mỹ, cảnh báo.
Trong khi đó, ông Mike Wirth, Giám đốc điều hành Tập đoàn Chevron, cho rằng việc đánh thuế phần lợi nhuận vượt mức hoặc lệnh cấm xuất khẩu sẽ là "thiển cận" vì nó sẽ cản trở đầu tư vào năng lượng.
Tranh cãi trên diễn ra trong bối cảnh giá xăng trung bình tại Mỹ hôm 28-10 đã tăng lần đầu tiên trong vòng 16 ngày, đe dọa gây ra thách thức chính trị cho chính quyền ông Biden trước thềm bầu cử.
Theo Reuters, sự gia tăng này hiện liên quan nhiều hơn đến nguồn cung nhiên liệu đang ở mức thấp lịch sử tại Mỹ. Trữ lượng dầu tại bờ Đông đã giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ vào thời điểm này trong năm, một phần do việc nhập khẩu từ châu Âu đang chậm lại và nhà cung cấp hàng đầu Ấn Độ cắt giảm xuất khẩu.
Chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc một số biện pháp nhằm xoa dịu tình hình, như mở rộng dự trữ nhiên liệu khẩn cấp và yêu cầu các công ty tư nhân duy trì lượng dự trữ tồn kho tối thiểu.
Bình luận (0)