Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 19-5 bắt đầu chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào đầu năm 2021 với điểm đến là 2 nước đồng minh quan trọng Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chuyến đi nhằm phát tín hiệu Mỹ không quên các lợi ích chiến lược của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bất chấp đang quan tâm nhiều đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nội dung thảo luận chính của các hội nghị thượng đỉnh sắp tới là thương mại, chuỗi cung ứng, đại dịch Covid-19 và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ còn sử dụng chuyến đi để chính thức công bố sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) và tìm kiếm sự ủng hộ dành cho sáng kiến này.
Chặng dừng chân đầu tiên là Hàn Quốc, nơi ông Joe Biden và Tổng thống Yoon Suk-yeol của nước chủ nhà dự kiến gặp nhau ngày 21-5. Theo hãng tin Yonhap, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh này gồm những nội dung như tăng cường an ninh kinh tế song phương, đối phó mối đe dọa tên lửa, hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vấn đề Triều Tiên được xem là một ưu tiên trong bối cảnh ông Yoon, người mới nhậm chức tuần rồi, muốn tìm kiếm cam kết mạnh mẽ hơn từ Washington trong việc bảo vệ Seoul. Hai nhà lãnh đạo cũng có thể thảo luận việc thiết lập chuỗi cung ứng ổn định liên quan đến các vật liệu quan trọng, như chất bán dẫn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trao đổi tại một sự kiện ở thủ đô Brussels - Bỉ hồi tháng 3-2022Ảnh: The New York Times
Sáng kiến IPEF cũng là một nội dung đáng chú ý tại cuộc hội đàm. Chính quyền ông Biden gọi đây là "quan hệ đối tác mới" nhằm thúc đẩy thương mại tiêu chuẩn cao, quản lý nền kinh tế số, cải thiện chuỗi cung ứng và đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Ông Jae Jeok Park, chuyên gia tại Trường ĐH Ngoại ngữ Hankuk ở Seoul, nhận định với tờ South China Morning Post rằng chính quyền Tổng thống Yoon rất có thể sẽ "ủng hộ mạnh mẽ" chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ nhân chuyến thăm của ông Biden.
Sau chuyến thăm Hàn Quốc, ông Biden sẽ đến Nhật Bản để hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio trong ngày 23-5. Tại cuộc gặp này, theo hãng tin Kyodo, hai nhà lãnh đạo sẽ bàn về nỗ lực củng cố quan hệ đồng minh song phương và ổn định nguồn cung các tài nguyên quan trọng.
Nhân dịp này, Thủ tướng Kishida Fumio dự kiến thông báo tham gia IPEF, cũng như nhiều khả năng thuyết phục Mỹ trở lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo đài NHK, IPEF dự kiến thúc đẩy hợp tác trong việc tạo ra các chuỗi cung ứng vững chắc hơn và đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Tuy nhiên, IPEF không đặt mục tiêu cắt giảm thuế suất hoặc cho phép những nước tham gia tiếp cận nhiều hơn thị trường Mỹ dù đây là điều các nước châu Á tìm kiếm.
Theo trang Politico, hiện chưa có nhiều chi tiết về sáng kiến này được công bố nên ông Biden sẽ gặp không ít thách thức trong việc thuyết phục các nước đồng minh, đối tác tham gia.
Một ngày sau đó, cũng tại thủ đô Tokyo, ông Biden dự kiến có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo còn lại của nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ). Nội dung thảo luận là việc hợp tác giữa các thành viên về vắc-xin ngừa Covid-19, hỗ trợ nhân đạo, phát triển hạ tầng, khí hậu, không gian, an ninh mạng…
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm 18-5 cho biết nguồn tin tình báo nước này tiết lộ về khả năng Triều Tiên thử nghiệm tên lửa hoặc hạt nhân hoặc cả hai "trước, trong hoặc sau" chuyến đi của ông Biden. Giới phân tích nhận định một diễn biến như thế có thể phủ bóng chuyến công du của nhà lãnh đạo Mỹ.
Bất chấp chính quyền ông Biden cam kết phá vỡ bế tắc trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, vẫn chưa có tiến triển nào đạt được cho đến nay. Thay vào đó, Bình Nhưỡng đã nối lại thử nghiệm tên lửa. Đáng chú ý, Triều Tiên hồi tháng 3-2022 tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu tiên trong 4 năm.
Trang Politico cho biết tại cuộc gặp sắp tới, Tổng thống Yoon sẽ thúc giục ông Biden cho phép triển khai lại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc. Washington cho đến nay vẫn bác bỏ ý tưởng này.
Thay vào đó, ông Biden sẽ tìm cách trấn an nhà lãnh đạo Hàn Quốc bằng cách bật đèn xanh với yêu cầu triển khai thêm hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên.
Mỹ từng bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật trên bán đảo Triều Tiên trong nhiều năm trước khi rút số vũ khí này về vào năm 1991 để khuyến khích Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân còn non trẻ lúc đó.
Bình luận (0)