Theo hãng tin Belta, ông Lukashenko khẳng định không hay biết về kế hoạch nói trên và nói thêm Belarus “không cần một căn cứ quân sự kiểu vậy”. “Tôi cảm thấy ngạc nhiên và ở một mức độ nào đó, tức giận và khó chịu” – ông cho biết.
Hồi tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị chính quyền Minsk ký thỏa thuận về việc thiết lập một căn cứ quân sự của Moscow tại quốc gia này. Hai nước có quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự gần gũi. Bên cạnh đó, Belarus còn phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga và các khoản trợ cấp khác.
Moscow hiện đặt một hệ thống radar cảnh báo sớm và một cơ sở thông tin liên lạc của hải quân bên nước láng giềng. Việc thiết lập một căn cứ không quân tại đây sẽ giúp Nga gia tăng sự hiện diện quân sự. Belarus có chung biên giới với các nước thành viên NATO và các nước EU như Ba Lan, Latvia và Lithuania.
Động thái này của Moccow diễn ra vào thời điểm Tổng thống Lukashenko đang nhích lại gần phương Tây. Nhà lãnh đạo Belarus hôm 6-10 ám chỉ Nga có thể muốn thiết lập căn cứ không quân để cản trở nỗ lực “hâm nóng quan hệ của Belarus với phương Tây”.
Điện Kremlin không bình luận gì về tuyên bố của Tổng thống Lukashenko - người đã lãnh đạo Belarus từ năm 1994 và nhiều khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 11-10 tới để tiếp tục nhiệm kỳ thứ 5 của mình.
Trước đó, hôm 4-10, khoảng 1.000 nhà hoạt động đối lập tại thủ đô Minsk phản đối kế hoạch của Nga. Họ bày tỏ lo ngại kế hoạch này sẽ làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực vốn đã bị xáo trộn bởi cuộc xung đột ở Ukraine và hạn chế Belarus duy trì thế trung lập giữa Nga và các nước phương Tây.
Chuyên gia phân tích chính trị Alexander Klaskovsky ở Minsk nói rằng Tổng thống Lukashenko đã cố gắng duy trì khoảng cách đồng đều giữa Nga và phương Tây trong suốt hơn 2 thập kỷ nắm quyền và bây giờ ông lo ngại căn cứ quân sự của Moscow sẽ ảnh hưởng những quyết định của mình.
“Ông ấy cố gắng để tránh bị cô lập và phụ thuộc hoàn toàn vào Điện Kremlin. Cho thiết lập căn cứ không quân đồng nghĩa với việc ông ấy tự biến mình thành kẻ lệ thuộc vào Nga” – ông Klaskovsky nhận định.
Bình luận (0)