Đồng thời, chính quyền ông Biden sẽ làm việc với các đồng minh để ngăn chặn "sự lạm dụng kinh tế trên nhiều mặt trận" của Trung Quốc.
Cam kết về "một cách tiếp cận kiên nhẫn", thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 25-1 cho biết Tổng thống Biden "sẽ tiếp cận đa phương với Trung Quốc và điều đó bao gồm việc đánh giá các mức thuế đang được áp dụng. Ông ấy muốn đảm bảo rằng chúng tôi thực hiện bất kỳ bước nào cũng có sự phối hợp của các đồng minh và đối tác của chúng tôi, với các thành viên Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội".
Người phát ngôn của Nhà Trắng nhấn mạnh: "Chúng ta đã thấy trong vài năm qua rằng Trung Quốc đang thách thức an ninh, thịnh vượng và chuẩn mực của chúng ta, đòi hỏi Mỹ phải có cách tiếp cận mới. Chúng tôi muốn tiếp cận vấn đề này với sự kiên nhẫn chiến lược".
Ông Biden sẽ tiếp cận mối quan hệ với Bắc Kinh với "sự kiên nhẫn chiến lược". Ảnh: AP
Cuộc chiến thương mại mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu với Trung Quốc vào năm 2018 đã ngừng leo thang một năm trước, khi ông Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận giai đoạn một hồi tháng 1-2020, thúc đẩy Trung Quốc mua một số lượng lớn hàng hóa và dịch vụ Mỹ, xoa dịu thương chiến kéo dài 18 tháng trước đó.
Ý định của ông Biden đối với thuế quan trừng phạt đã trở thành trọng tâm chính trên mặt trận Mỹ - Trung. Theo tờ South China Morning Post, phân tích dữ liệu hải quan Trung Quốc của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) tuần trước cho thấy Trung Quốc chỉ hoàn thành 58% mục tiêu của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, đặt ra câu hỏi về việc liệu thỏa thuận có khả thi ngay cả khi không có sự gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra hay không.
Nhà Trắng cũng đang xem xét các vấn đề Mỹ - Trung khác, bao gồm sắc lệnh của ông Trump ký vào đầu tháng 1 năm nay, trong đó yêu cầu tất cả nhà đầu tư Mỹ thoái hết vốn tại các công ty nằm trong danh sách dính líu quân đội Trung Quốc. Hạn chót cho việc này là ngày 11-11.
Bà Psaki nói với các phóng viên Nhà Trắng rằng các cuộc thảo luận về lệnh cấm đầu tư vào các công ty bao gồm China Mobile và China Telecom đang được thực hiện bởi Bộ Tài chính "và một số cơ quan khác".
Bà Psaki cho biết hoạt động gián điệp công nghiệp và trộm cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc vẫn là một mối lo ngại. Ảnh: Reuters
Khi được hỏi liệu ông Biden có tiếp tục những hạn chế đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei hay không, bà Psaki cho biết hoạt động gián điệp công nghiệp và trộm cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc vẫn là một mối lo ngại.
Bà Psaki nói: "Quan điểm của chúng tôi, quan điểm của tổng thống, là chúng ta cần phải phòng thủ tốt hơn, bao gồm việc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi không công bằng và bất hợp pháp của mình và đảm bảo rằng các công nghệ của Mỹ không tạo điều kiện cho việc xây dựng quân đội của Trung Quốc".
Thông tin từ bà Psaki về cách tiếp cận của Tổng thống Biden nhất quán với những gì ứng cử viên Ngoại trưởng Antony Blinken của tổng thống đã nói về Trung Quốc vào tuần trước. Ông Blinken nói: "Tổng thống Trump đã đúng khi thực hiện cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tôi rất không đồng ý với phương pháp của ông ấy thực hiện trong một số lĩnh vực nhưng nguyên tắc cơ bản là điều đúng đắn. Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự hữu ích cho chính sách đối ngoại của chúng tôi".
Tuyên bố của Nhà Trắng đưa ra ngay sau phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) kêu gọi các lãnh đạo thế giới củng cố việc điều phối chính sách kinh tế vi mô và tăng cường vai trò của nhóm G20 đối với kinh tế toàn cầu.
Bình luận (0)