Theo hãng tin Reuters, các cuộc đối đầu bạo lực kéo dài 10 tuần qua giữa cảnh sát và người biểu tình đã đẩy đặc khu hành chính vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo Reuters, 5 yêu sách của phe biểu tình là rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, không gọi hành động biểu tình là bạo loạn, xóa các cáo buộc chống lại người biểu tình, mở cuộc điều tra độc lập về hành vi bạo lực của cảnh sát, nối lại cải cách chính trị.
Trong diễn biến đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-8 đã đề xuất cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để tìm giải pháp "nhanh chóng" và "nhân đạo" cho tình trạng bất ổn tại Hồng Kông.
Cảnh sát bắn hơi cay về phía người biểu tình ở Hồng Kông hôm 14-8 Ảnh: Reuters
Trên mạng Twitter, ông Trump dường như còn gắn kết triển vọng đàm phán thương mại với Trung Quốc và giải pháp cho các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. "Hàng triệu việc làm ở Trung Quốc đang bị mất vào tay các quốc gia không bị áp thuế khác. Hàng ngàn công ty đang rời đi. Tất nhiên, Trung Quốc muốn đạt được một thỏa thuận. Hãy để họ xử lý nhân đạo vấn đề Hồng Kông trước đã" - ông Trump viết.
Trước tình hình bất ổn tại Hồng Kông, Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục công dân mình thận trọng khi tới đặc khu này. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian kêu gọi giới chức Hồng Kông đàm phán với người biểu tình để tìm kiếm giải pháp hòa bình. Phòng Thương mại Úc tại Hồng Kông cũng kêu gọi tất cả các bên tham gia đàm phán mang tính xây dựng để khôi phục trung tâm tài chính quốc tế. Theo cảnh báo của Công ty Nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh), làn sóng biểu tình có thể đẩy Hồng Kông vào một cuộc suy thoái và thị trường bất động sản đặc khu cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Bình luận (0)