Xuất hiện được một tháng nay, phong trào “Chiếm phố Wall” đang cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của nó trên thế giới.
Khởi đầu vào ngày 17-9 với hàng chục người biểu tình tìm cách cắm trại trước Sở Giao dịch Chứng khoán New York, phong trào “Chiếm phố Wall” không ngừng lan rộng sang các thành phố khác của Mỹ, đồng thời trở thành nguồn cảm hứng cho một loạt cuộc biểu tình tương tự diễn ra khắp thế giới.
Hôm 15-10, các cuộc biểu tình như thế đã diễn ra đồng loạt tại khoảng 951 thành phố ở 82 nước và vùng lãnh thổ.
Tổng thống Obama bảo vệ 99% người Mỹ
Người biểu tình khắp thế giới đang bày tỏ sự phẫn nộ của mình về nhiều vấn đề khác nhau nhưng phổ biến nhất vẫn là sự bất bình đẳng kinh tế, tình trạng thất nghiệp cao; chính sách thắt lưng buộc bụng của các chính phủ.
Họ cũng chỉ trích thói tham lam của giới ngân hàng, tài chính, chính khách và có cùng suy nghĩ rằng sự quản lý yếu kém và những sai trái của giới này đã khiến giới trẻ và tầng lớp trung lưu đang phải trả giá đắt.
Cảnh sát Chicago (Mỹ) bắt giữ một số người biểu tình hôm 16-10. Ảnh: AP
Tại Mỹ, thông điệp mà người biểu tình đưa ra rất rõ ràng: 99% người dân đang phải vật lộn với những nỗi lo cơm áo gạo tiền hằng ngày trong lúc khoảng 1% người còn lại kiểm soát phần lớn của cải của nền kinh tế và họ vẫn tiếp tục giàu lên.
Sự lớn mạnh của phong trào “Chiếm phố Wall” khiến nó trở thành một vấn đề được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ chú ý khi họ chuẩn bị cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 16-10 tiếp tục lên tiếng ủng hộ người biểu tình nhưng kêu gọi họ không nên “vơ đũa cả nắm”.
Trong bài diễn văn đọc tại lễ khánh thành đài tưởng niệm mục sư Martin Luther King Jr., ông Obama cho biết: “Tiến sĩ King muốn chúng ta thách thức những hành vi vượt quá giới hạn của phố Wall mà không cần phải biến tất cả người làm việc ở đó thành kẻ xấu”.
Trong tuần này, Tổng thống Obama sẽ có chuyến đi vận động tranh cử bằng xe buýt tại 2 bang Virginia và North Carolina.
Trong chuyến đi này, theo Nhà Trắng, ông Obama sẽ tiếp tục nhìn nhận rằng người biểu tình có quyền giận dữ về phản ứng chậm chạp của Washington trong việc ứng phó cuộc khủng hoảng tài chính.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: “Ông Obama sẽ nói rõ rằng ông đang chiến đấu để bảo đảm quyền lợi của 99% người Mỹ sẽ được bảo vệ đầy đủ”.
Cộng hòa đổ lỗi cho Dân chủ
Trong khi đó, phe Cộng hòa kêu gọi người biểu tình quy trách nhiệm những vấn đề của họ cho phe Dân chủ chứ không nên đổ lỗi cho người giàu.
Ông Herman Cain, một ứng viên tổng thống tiềm tàng của Đảng Cộng hòa, cho đài NBC biết hôm 16-10: “Thông điệp của họ là gì? Đó là điều chưa rõ ràng. Nếu thông điệp của họ là hãy trừng phạt người giàu, tôi không đồng cảm với thông điệp này. Họ nên phản đối Nhà Trắng”.
Tương tự, nghị sĩ Eric Cantor, thủ lĩnh phe đa số của Đảng Cộng hòa tại hạ viện, nói người biểu tình nên quy trách nhiệm cho phe Dân chủ.
Tuy nhiên, ông Cantor đã rút lại những chỉ trích đưa ra trước đó nhằm vào phong trào “Chiếm phố Wall”. Thay vào đó, ông bày tỏ sự thông cảm đối với số phận của những người biểu tình mà ông từng gọi là “những kẻ du thủ du thực”.
Hiện chưa rõ bước đi kế tiếp của những người biểu tình. Tại New York, những thành viên phong trào “Chiếm phố Wall” vẫn tiếp tục cắm trại tại công viên Zuccotti. Chương trình nghị sự của nhóm trước mắt chỉ bao gồm một cuộc họp của các thành viên chủ chốt và các cuộc tụ tập vào ban đêm.
Người phát ngôn phong trào “Chiếm phố Wall” cho hãng tin AP biết những người ủng hộ đã quyên tặng 300.000 USD cùng với lương thực, chăn mền, thuốc men, túi ngủ…
Dù vậy, một số nhà phân tích nhận định rằng những cuộc biểu tình như thế sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới khi viễn cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn u ám, trong lúc với sự tăng trưởng của truyền thông xã hội giúp gắn kết những người biểu tình có cùng tâm trạng bất bình khắp thế giới lại với nhau.
Bà Tina Fordham, nhà phân tích chính trị của Citibank (Mỹ), nói với hãng tin Reuters: “Xu hướng này nhất định sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới. Cho đến giờ, các cuộc biểu tình chưa tác động gì nhiều lên chính sách nhưng tình hình có thể thay đổi. Chỉ cần nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp hoặc không tăng trưởng trong thời gian tới, những phong trào mới nổi này có thể phát triển mạnh mẽ thành những lực lượng chính trị”.
Bình luận (0)