Mở đầu cuộc hội đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ở TP Saint Petersburg ngày 25-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: "Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ cung cấp cho Belarus các hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M, có thể sử dụng tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, cả ở phiên bản có thể mang đầu đạn hạt nhân và phiên bản mang đầu đạn thông thường".
Iskander-M là hệ thống tên lửa dẫn đường di động được NATO đặt tên mã là "SS-26 Stone", thay thế tên lửa Scud của Liên Xô. Hai tên lửa dẫn đường của nó có tầm bắn lên tới 500 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường.
Ông Vladimir Putin cũng đề xuất chỉ thị cho các bộ trưởng quốc phòng Nga, Belarus và các tham mưu trưởng làm việc thông qua tất cả chi tiết liên quan vấn đề này.
Tổng thống Vladimir Putin tiếp người đồng cấp Belarus tại TP Saint Petersburg - Nga ngày 25-6. Ảnh: Kremlin.ru
Ngoài ra, ông Vladimir Putin cho biết Nga sẽ nâng cấp các máy bay cường kích Su-25 của Belarus để chúng có thể mang vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang.
"Hiện tại, có nhiều tiêm kích Su-25 đang phục vụ trong quân đội Belarus. Chúng có thể được nâng cấp theo cách thích hợp" – nhà lãnh đạo Nga nói. Công đoạn nâng cấp sẽ do các nhà máy chế tạo máy bay của Nga thực hiện đi cùng khâu đào tạo và huấn luyện nhân sự.
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Lukashenko cho biết hai bên thảo luận "nghiêm túc về các vấn đề quan trọng", trong đó có tình hình Ukraine.
Tổng thống Belarus bày tỏ quan ngại về chính sách "gây hấn", "đối đầu" và "đẩy lùi" của các nước láng giềng Lithuania và Ba Lan.
Trong cuộc gặp với ông Putin, Tổng thống Lukashenko yêu cầu nhà lãnh đạo Nga giúp Belarus thực hiện "phản ứng tương xứng" đối với "các chuyến bay có vũ khí hạt nhân" của NATO gần biên giới nước này.
Belarus cũng là mục tiêu của các lệnh trừng phạt từ phương Tây kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2-2022. Minsk bị cáo buộc hỗ trợ Moscow trong chiến dịch này.
Người phụ nữ đi ngang Quảng trường Maidan ở Kiev, có những bao cát xếp thành chữ "HELP" ngày 25-6. Ảnh: AP
Trong tuần qua, Lithuania khiến Nga tức giận khi cấm hoạt động trung chuyển hàng hóa bị trừng phạt từ phần nằm trong lục địa của Nga tới vùng Kaliningrad cũng của Nga.
Chuyện này làm gia tăng căng thẳng vốn nghiêm trọng giữa Moscow và phương Tây, bất chấp cả Lithuania và Liên minh châu Âu (EU) đều khẳng định lệnh hạn chế trung chuyển này không có nghĩa là "phong tỏa". Thủ tướng Lithuania Ingrida Simonyte cho rằng chỉ 1% tổng lượng hàng hóa đến Kaliningrad bị hạn chế.
Tuy nhiên, Moscow coi đó là "phong tỏa kinh tế" với Kaliningrad và là hành động "thù địch công khai". Nga tuyên bố lệnh cấm vận chuyển của Lithuania ảnh hưởng đến khoảng 50% lượng hàng hóa sang Kaliningrad.
Bình luận (0)